Văn hóa học đường giúp hình thành nhân cách, nuôi dưỡng học sinh thành người tử tế
Thời gian qua các cơ sở giáo dục đã rất quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, đặc biệt là việc đưa môn giáo dục công dân vào nội dung các môn thi và xét đầu vào đại học, cao đẳng ở một số chuyên ngành.
Một thực tế đã chứng minh qua thời gian là học sinh được giáo dục và rèn luyện các chuẩn mực đạo đức, văn hóa sống, văn hóa ứng xử sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường giáo dục học đường thân thiện, tích cực hơn.
Học sinh được rèn luyện chuẩn mực đạo đức cũng góp phần giúp cho việc rèn luyện và phát triển năng lực học tập tốt hơn. Hiệu quả giáo dục văn hóa học đường với học sinh đã tạo được niềm tin của các bậc phụ huynh và xã hội đến chất lượng giáo dục của nhà trường.
Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì việc giáo dục các chuẩn mực văn hóa học đường phần nào đó cũng làm cho học sinh có ý thức trách nhiệm hơn nữa trong ứng xử với thầy cô giáo, cán bộ, bạn bè trong trường.
Cụ thể, những học sinh đã được trang bị kiến thức về ứng xử văn hóa trong môi trường học đường cũng có hành vi cư xử thể hiện sự khác biệt như rất lễ phép nghe lời, kính trọng thầy cô và những người lớn tuổi khi vào trường, cùng với đó trong quá trình học tập cũng rất nỗ lực, tìm tòi và sáng tạo.
Về ý thức, khi được trang bị kiến thức về ứng xử văn hóa trong môi trường học đường thì đa số học sinh đều rất đoàn kết, thương yêu bạn bè, cùng nhau nỗ lực vượt khó và có ý thức bảo vệ, giữ gìn cơ sở vật chất của nhà trường.
Khi học sinh có ý thức đạo đức tốt thì sẽ luôn biết tôn trọng, thừa nhận những điểm mạnh của bạn bè và mọi người xung quanh, có ý thức xây dựng tập thể lớn mạnh, lan tỏa những phong trào trong nhà trường còn đương nhiên những học sinh yếu kém về đạo đức, lối sống, thiếu văn hóa thì luôn tìm cách chống đối thầy cô và thiếu ý chí và nghị lực vươn lên hoàn thiện bản thân.
Từ những điều trên, chuyên gia Hà Thái Hương khẳng định, học sinh được giáo dục văn hóa giao tiếp học đường sẽ có vai trò rất lớn trong xây dựng môi trường học tập thân thiện, lan tỏa những việc làm tốt.
Hơn thế, giáo dục văn hóa học đường giúp cho học sinh sống có trách nhiệm hơn với bản thân và với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, khi được giáo dục toàn diện học sinh sẽ có khả năng phân biệt được đúng sai để tự xây dựng và hoàn thiện lối sống của mình. Qua đó, sẽ giúp học sinh có ý thức trách nhiệm hơn đối với lời nói, hành vi, cử chỉ của mình trước thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh.
Nhận thức các chuẩn mực văn hóa học đường sẽ giúp học sinh biết chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường như đi học đúng giờ, học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp; có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Học sinh cũng sẽ sống có tự trọng hơn, không gian lận trong thi cử, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè, có ý thức trong việc làm từ thiện, nhân đạo.
Giáo dục văn hóa học đường nhằm giúp học sinh nắm vững các chuẩn mực văn hóa ứng xử của môi trường giáo dục, có ý thức phấn đấu, vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện và biết noi gương thầy cô giáo.
Nhiều chuyên gia cho rằng để ngăn chặn bạo lực học đường cũng giáo dục học sinh thành người tử tế thì cần thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường. Điều này cần được thực hiện từ những điều nhỏ nhất như trang phục, hành vi, lời nói... Trong đó cha mẹ, thầy cô chuẩn mực sẽ là tấm gương sáng để con trẻ noi theo, đồng thời tạo dựng được môi trường giáo dục văn hóa.
Ngoài ra, mọi quy tắc, quy định hay quy chế phải được thực hiện xuất phát từ sự tôn trọng và dân chủ. Ở đó học sinh được bày tỏ, thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt, còn giáo viên được khích lệ, động viên kịp thời, cởi mở đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm trên tinh thần xây dựng tích cực.
Hoàng Thanh