UNICEF: Cần hỗ trợ trẻ em nạn nhân buôn người tỉnh Lào Cai
![]() |
Trẻ em người dân tộc thiểu số là mục tiêu của những vụ buôn bán người |
76,4% số nạn nhân là người dân tộc thiểu số
Tình hình tội phạm và mua bán người tại địa phương này có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là mua bán phụ nữ và trẻ em gái sang Trung Quốc với mục đích chính là bóc lột tình dục và cưỡng ép hôn nhân.
Hơn 50% số nạn nhân được trở về qua hình thức trao trả song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, 43,6% được giải cứu và chỉ có 1,8% số nạn nhân tự trốn được quay trở về. Lũy kế từ năm 2009 đến nay số nạn nhân trở về là 549 người, trong đó có 74 nạn nhân là trẻ em chiếm khoảng 18,8% (trong đó có 4 nạn nhân là trẻ em nam); 76,4% số nạn nhân là người dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Thái..).
Cụ thể, Lào Cai có 195 nạn nhân đến từ các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng, Sa Pa trong độ tuổi từ 15 đến 30, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế; một số là học sinh trung học cơ sở hoặc trung học chuyên nghiệp của Lào Cai.
Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, đa số các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề tâm lý và sức khỏe, một số nạn nhân có biểu hiện tâm thần, một số mang thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân bị thương tích.
“Nguyên nhân sâu xa của loại tội phạm này là tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng khiến hàng triệu đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ, từ đó thức đẩy nạn mua bán phụ nữ, trẻ em gái từ Việt Nam sang Trung Quốc” – đại diện UNCEF Việt Nam nêu.
Theo số liệu của Lào Cai về tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1/1/2011 đến ngày 30/6/2015 các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt và lập hồ sơ xử lý và khởi tố 392 vụ, 458 đối tượng, trong đó lực lượng công an phát hiện 155 vụ, bắt giữ 319 đối tượng; lực lượng biên phòng phát hiện 237 vụ, bắt giữ 139 đối tượng. Đối tượng mua bán người cũng chủ yếu là người dân tộc. Trong thời gian này có 531 nạn nhân mua bán người, trong đó 494 nạn nhân đã trở về.
Thêm vào đó, theo đại diện UNICEF VN thì sự nghèo khó, ít cơ hội tìm được việc làm, sự mong ước được thay đổi cuộc sống và tăng thu nhập, sự cả tin, sự thiếu hiểu biết của một số đồng bào DTTS đã khiến những kẻ buôn người lợi dụng.
“Đồng bào dân tộc ở đây có trình độ dân trí thấp, những kẻ buôn bán người đã lợi dụng điều đó để có những lời hứa hẹn là sang Trung Quốc không phải khổ, không phải làm, đi chỉ có sung sướng, một ngày thu được vài chục triệu, nên đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc…”, bà Nguyễn Thanh Hương, cán bộ UNICEF nhấn mạnh.
Cần có chế tài mạnh hơn xử lý tình trạng mua bán, bạo lực, xâm hại trẻ em
Trước thực trạng này, UNICEF Việt Nam đưa ra khuyến nghị, về chính sách, Lào Cai cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, trong đó: hỗ trợ kinh phí chữa/điều trị sau khi khám bệnh cho các đối tượng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trở về, hỗ trợ trẻ em người Mông khi có cha chết, mẹ bị bán sang Trung Quốc hoặc mẹ đi lấy chồng nhưng không được theo mẹ.
Lồng ghép tốt hơn các mục tiêu liên quan đến trẻ em vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Có các chế tài mạnh hơn, đặc biệt để xử lý tình trạng mua bán, bạo lực và xâm hại trẻ em. Thực hiện tốt các quy định, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính để công nhận trẻ em mồ côi.
Đối với hệ thống dịch vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em, UNICEF Việt Nam cũng khuyến nghị, Lào Cai cần tiếp tục nâng cao năng lực của Trung tâm CTXH để cung cấp dịch vụ với phạm vi rộng hơn và chuyên môn cao hơn. Duy trì và mở rộng các mô hình trợ giúp và tái hòa nhập cho nạn nhân bị buôn bán như “Nhà nhân ái”… Hàng năm cần đánh giá tính hiệu quả và hiệu suất của những mô hình hiện có để từ đó xác định khả năng nhân rộng.
Song song với đó, UNICEF Việt Nam cũng mong muốn Lào Cai tăng cường nhận thức: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội. Nâng cao chất lượng truyền thông thông qua sử dụng hình ảnh, phổ biến những kinh nghiệm hay, điển hình tốt; dạy kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng mềm. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở đối với công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là ở những vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2012, UNICEF Việt Nam hỗ trợ UBND tỉnh Lào Cai thực hiện “Dự án bạn hữu” tiến hành khảo sát các điều kiện sống của trẻ em trong đó có nội dung “tội phạm và mua bán người”. Dự án được thực hiện tại 16 xã thuộc 4 huyện: Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương. Thời gian thực hiện "Dự án Bạn hữu" từ năm 2012 – 2016.