Tự mua thuốc tamiflu điều trị cúm A, chẳng tác dụng gì
BS Lê Văn Thiệu cảnh báo, việc dùng thuốc tamiflu không theo đúng chỉ định của bác sĩ chữa cúm A không những không có tác dụng mà còn đối mặt với các tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi...
Sau chuyến nghỉ mát về, cả 3 con của chị Phương (Gia Lâm) đều sốt, ho, sổ mũi. Cho rằng các con lây từ con của đồng nghiệp khi trẻ chơi cùng nhau suốt kỳ nghỉ mát.
“Có tất cả 8 bé của 4 gia đình bị sốt trước con nhà tôi. Trong số này 3 bé đã được xác định mắc cúm A. Vì thế, chồng tôi vội vàng mua tamiflu về cho con uống luôn. Trộm vía, các con cũng cắt sốt”, chị Phương cho hay.
Khác với chị Phương, nhà chị Lan (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) có hai ông bà già hơn 90 tuổi lại nhiều bệnh lý nền. Các con đông, đi lại nhiều nên sợ lây “cúm” cho ông bà.
Sợ giống như đợt dịch Covid-19 có thời điểm đến lọ nước muối, chai siro ho cũng “cháy hàng” chị Phương đã đi mua sẵn thuốc tamiflu dự trữ.
“Thuốc bán theo đơn nên để lùng mua được một hộp thuốc tôi cũng phải “cạy cục” nhờ vả mãi mới được. Thôi thì trữ sẵn đấy, nhà có người mắc thì sẵn dùng. Không đến lúc cần lại không có hoặc giá lại đội lên”, chị Lan cho hay.
Việc làm của chị Lan cũng như của nhiều người hiện nay bắt nguồn từ việc thời gian gần đây dịch cúm A đang có xu hướng gia tăng ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
Trước sự gia tăng số ca mắc cúm A hiện nay, nhiều gia đình lo ngại thiếu thuốc nên đã tự ý đi mua thuốc tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng.
BS Lê Văn Thiệu thăm khám cho bệnh nhân |
Trao đổi với phóng viên BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng điều này là không cần thiết.
Dù tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm. Nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A.
“Cũng như các thuốc khác thuốc nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, việc sử dụng thuốc không đúng bệnh, không đúng chỉ định sẽ dẫn tới lãng phí, không hiệu quả. Thậm chí việc dùng tamiflu không theo đúng chỉ định của bác sĩ còn đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc...”, BS Lê Văn Thiệu nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, ThS. BS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng qua đường hô hấp.
Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh cảm cúm thông thường như sốt, chảy nước mũi viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…
Ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao hơn 39-40 độ C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và biến chứng khác.
“Chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng vì hầu hết bệnh nhân cúm A đều tự khỏi sau 1-2 tuần. Có điều chúng ta lưu ý đối tượng nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi hay trẻ em, người già trên 45 tuổi nhất là người mắc bệnh nền”, BS Trung Kiên nhấn mạnh.
BS Trung Kiên cũng đặc biệt nhấn mạnh, người dân không nên tự ý đi mua thuốc tamilflu diệt virus uống vì đây là thuốc uống theo chỉ định của bác sỹ. Thời điểm uống thuốc rất quan trọng, uống muộn quá cũng không có tác dụng gì.
Theo các bác sĩ, điều quan trọng của người dân lúc này là theo dõi, phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang lưu hành.
BS Lê Văn Thiệu cho rằng cúm A và Covid-19 là các bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi.
Cả hai đều lây lan qua các giọt bắn và khí dung khi người bị bệnh hít thở, nói, ho hoặc hắt hơi. Hiện nay chúng ta đang đồng thời xuất hiện cả cúm A và dịch Covid- 19 vẫn đang lây lan (mức độ nhỏ) điều này vô tình khiến nguy cơ mắc cả cúm A và Covid-19 cùng 1 lúc tăng lên.
“Vì vậy trong bối cảnh vừa nhiễm loại này lại nhiễm loại khác khiến cơ thể của chúng ta không có thời gian hồi phục hoặc nhiễm cả 2 khiến nguy cơ diễn biến nặng tăng lên. Người dân cần theo dõi sức khoẻ, không nên chủ quan”, BS Thiệu nhấn mạnh.
Theo đó, khi người dân có biểu hiện sốt cao trên 38 độ kèm theo chảy mũi, ho,đau người, đau đầu, khó thở, tức ngực thì bắt buộc đến cơ sở y tế để khám chứ không tự ý dùng thuốc tại nhà mà không có tham khảo của các bác sĩ chuyên môn.
Để phòng cúm, BS Lê Văn Thiệu nhấn mạnh người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà.
Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang. Đặc biệt người nghi là bị cúm hoặc đã xác định mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang khi có tiếp xúc với người khác hoặc lúc ra khỏi nhà .
Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…
Tiêm vắc xin phòng cúm vào trước giao mùa khoảng 3 tháng (vào tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh và cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng, đặc biệt cho trẻ em thông qua việc ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất... theo lứa tuổi và uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Người lớn và người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng.
N. Huyền