Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cam kết nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam
Ngày 27/10, Đô đốc Harris có chuyến thăm Hà Nội và gặp mặt Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, ông Trần Đắc Lợi, phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng và thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung.
![]() |
Đô đốc Harris và Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Việt Nam |
Trong các cuộc gặp, ông Harris đề cao hoạt động hợp tác quân sự gần đây giữa Mỹ và Việt Nam trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, hoạt động gìn giữ hòa bình đa quốc gia, thông cáo của đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết.
Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam với Mỹ trong việc tiếp tục xử lý các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có tìm kiếm quân nhân mất tích và nỗ lực giảm các mối đe dọa từ vật liệu chưa nổ.
Đô đốc Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ song phương và nâng cao năng lực của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật.
Vào ngày 28/10, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry B. Harris, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tư lệnh Cảnh sát biểnViệt Nam, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka, Đại tá Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và Chuẩn Đô đốc (đã nghỉ hưu) Gary Blore, Chỉ huy trưởng Cơ quan Tác chiến, Sẵn sàng chiến đấu và Huấn luyện nhằm giảm các nguy cơ quốc phòng của Hoa Kỳ, đã khánh thành Cơ sở Sửa chữa Bảo dưỡng tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam.
![]() |
Được xây dựng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, cơ sở này giúp nâng cao năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc huấn luyện nhân viên và bảo dưỡng tàu nhằm ngăn chặn hiệu quả và đối phó với các mối đe dọa trên biển dọc theo bờ biển của Việt Nam.
“Các cơ sở này thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường hợp tác song phương và cam kết của Việt Nam đối với an ninh hàng hải của nước mình. Hoạt động đào tạo các sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam sẽ mang lại tác động lâu dài và là biểu tượng cho cam kết bền vững của chúng tôi dành cho Việt Nam và khu vực”, Đô đốc Harris phát biểu tại lễ khánh thành.
Cơ sở bảo dưỡng tàu này là bằng chứng rõ ràng của quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam,
thể hiện cam kết chung trong việc tăng cường quan hệ quân sự song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh biển, thực thi luật pháp và các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ.
“An ninh biển là lĩnh vực ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và là điều chúng ta không thể xem thường. Những cơ sở tốt này là một minh chứng cho công việc vất vả và sự cống hiến của rất nhiều người nhằm nâng cao khả năng chung của chúng ta trong việc đối phó với các thách thức an ninh biển”, Đô đốc Harris cho biết.
Trong thời gian thăm Việt Nam, Đô đốc Harris có các cuộc nói chuyện với lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội, thăm Bệnh viện Quân y 175 và chùa Ngọc Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và gặp gỡ lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ở Đà Nẵng.
Đô đốc Harry B. Harris Jr được xem là người Mỹ gốc Á cao cấp nhất trong Hải quân Mỹ khi ông trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tháng Năm 2015.
Ông Harris, 60 tuổi, sinh ra tại Nhật Bản, có bố là hải quân Mỹ và mẹ là người Nhật.
Tối nghiệp Học viện Hải quân Mỹ, ông học thêm sau đại học tại Trường Chính phủ Kennedy của Harvard, Đại học Georgetown và Đại học Oxford.
Ông trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ trong bối cảnh Mỹ "tái cân bằng" sang châu Á, phải đối phó với Bắc Hàn có tham vọng hạt nhân và Trung Quốc ngày càng cứng rắn ở Biển Đông.
Phát biểu về nguồn gốc của mình, ông nói: "Tôi muốn nhấn mạnh mình không nhìn thế giới qua lăng kính người Mỹ gốc Nhật."
"Tôi nhìn thế giới qua lăng kính người Mỹ. Tôi chỉ có một lòng trung thành."
Ông kể lại bố của ông có bốn anh em, tất cả phục vụ trong Thế chiến Hai ở mặt trận Thái Bình Dương.
Lớn lên ở bang Tennessee, ông được bố và các chú bác kể lại những câu chuyện chiến đấu trên biển, và ông sớm khao khát phục vụ trong quân đội.
Khi Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông đã công khai chỉ trích, gọi đây là "trường thành cát".
Ông giải thích ông đã chỉ trích Trung Quốc vì các hành động "khiêu khích" như đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông, đưa giàn khoan vào khu vực mà Việt Nam nói là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, và 'đường lưỡi bò'.
"Những ví dụ này không tương thích với luật pháp và quy tắc quốc tế," ông nói.