Triệu phú dốc cả gia tài, quyết giữ rừng gỗ quý tiền tỷ
Trung tuần tháng 6, vượt hơn 200km ngược Quốc lộ 7, chúng tôi ghé thăm cánh rừng pơ mu của ông Vừ Vả Chống (SN 1967, trú bản Trung tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn), nơi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển trong tiết trời dịu mát. Cánh rừng trông khá nổi bật, là mảng xanh hiếm hoi nằm lọt thỏm giữa những dãy núi trọc lóc.
Trong căn nhà nhỏ được bao bọc bởi bạt ngàn màu xanh ngút ngàn của chè, sa mu, pơ mu, bo bo, gừng,... “triệu phú người Mông” chia sẻ về quá trình khởi nghiệp.
Ông Chống kể, ngày xưa vùng đất này bạt ngàn pơ mu và sa mu. Gỗ của những loại cây này rất tốt, không mối mọt, lại có hương thơm dịu nhẹ đặc trưng nên người Mông thường sử dụng làm nhà.
Tuy nhiên, vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, những cánh rừng pơ mu, sa mu quý hiếm gắn liền với cuộc sống, văn hoá người Mông lần lượt bị đốn hạ. Phần vì đói nghèo, phần vì nhận thức còn hạn chế nên nhiều người dân nơi đây đã đua nhau đi phá rừng để làm nương, rẫy.
Ấp ủ giấc mơ phủ kín đồi trọc, năm 2000, sau khi xuất ngũ, Vừ Vả Chống làm đơn xin đấu thầu 10ha để trồng rừng. Sau đó, ông phải bán cả đàn bò lấy tiền rong ruổi khắp chốn tìm mua giống cây pơ mu.
“Thiếu kinh nghiệm nên lứa cây đầu tiên chết rất nhiều. Lặn lội nhiều ngày liền đến xã Tây Sơn, cách nhà hơn 40km, tôi tìm học hỏi kinh nghiệm, cách chăm sóc cây của bà con nơi đây. Ngày đó, đổ cả gia tài vào trồng rừng, ai cũng nghĩ tôi bị khùng, gàn dở”, ông Chống cười nói.
Sau bao cố gắng, 10ha cũng được ông Chống phủ kín bằng pơ mu, sa mu.
“Lấy ngắn nuôi dài”, năm 2003, khi Tổng đội Thanh niên xung phong 8 đưa cây chè tuyết shan về Huồi Tụ, ông tiên phong nhận trồng 2,5ha. Quá trình chăm sóc, ông Chống nhận thấy cây pơ mu và sa mu không chỉ làm bóng mát mà còn làm cho đất tơi xốp, tránh bị rửa trôi nên cây chè phát triển rất nhanh.
Giờ đây, sau hơn 20 năm trồng và chăm sóc, “triệu phú người Mông” sở hữu cánh rừng gỗ quý với hơn 7.000 cây, có những cây đường kính gần nửa mét. Thu nhập từ cây chè, bo bo mang lại cho ông gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Tiên phong phát triển du lịch
Ông Chống kể, dân buôn gỗ nhiều lần tìm đến gõ cửa, hỏi mua và sẵn sàng ngã giá 3 triệu đồng/cây nhưng ông nhất quyết không bán.
“Chính 10ha rừng này đã nuôi các con tôi ăn học tử tế. Người con đầu đang là giáo viên, hai đứa tiếp theo cũng đang học đại học. Tôi không bán mà chỉ muốn phát triển du lịch, thay đổi nhận thức của bà con về rừng. Còn rừng là còn tương lai cho tất cả chúng ta”, ông tâm sự.
Theo ông Chống, người dân địa phương và du khách khi tới tham quan, trải nghiệm ông sẽ không thu vé. Thu nhập ban đầu của ông chỉ là từ việc khách gọi nước uống, đồ ăn - đều là những món đặc sản người Mông như lợn bản, gà đen, măng luộc...
“Người Mông trước nay không biết buôn bán, làm du lịch. Nhưng rồi phải thay đổi, phải học hỏi, tiếp thu”, ông quả quyết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Thò Bá Rê cho biết, pơ mu và sa mu là cây gỗ quý hiếm, địa phương đang tăng cường quản lý và bảo vệ rừng pơ mu, sa mu; đồng thời, nhân rộng ra các xã có điều kiện khí hậu tương đồng như xã Huồi Tụ, Tây Sơn.
Ngoài ra, một số hộ dân đã mạnh dạn tận dụng những cánh rừng pơ mu và sa mu đẹp phát triển du lịch cộng đồng, trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Điều này không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển kinh tế mà đây còn là cách tuyên truyền để người dân quý trọng rừng.
Trần Văn Tuyên