Trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong phòng, chống mua bán người
Đa số nạn nhân của nạn mua bán người là phụ nữ và trẻ em. Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng mua bán người cần sự tham gia của toàn xã hội; trong đó gia đình, nhà trường có vai trò rất quan trọng.
Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp và xảy ra trên phạm vi cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 – 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Ảnh minh họa. |
Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng mua bán người đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội; trong đó gia đình, nhà trường có vai trò rất quan trọng.
Trên thực tế, phụ nữ, trẻ em bị mua bán không chỉ do nhận thức của họ hạn chế, mà trong nhiều trường hợp xuất phát từ gia đình (do kém hiểu biết, thiếu thông tin hoặc lơi lỏng quản lý) mà vô tình cha mẹ đã đẩy con, em mình thành nạn nhân của mua bán người.
Luật phòng, chống mua bán người đã quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Theo đó, trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 13, gồm 4 nội dung cơ bản sau: Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người; Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người; Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng; Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.
Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng có vai trò quan trọng trong việc quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian học; giáo dục cho các em hình thành nhân cách, trang bị cho các em tri thức để bước vào tương lai, dạy các em kiến thức biết tự bảo vệ bản thân mình trước những thủ đoạn của kẻ xấu, trong đó có tội phạm mua bán người.
Để tăng cường vai trò của nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trong công tác phòng, chống mua bán người, Điều 14 Luật phòng, chống mua bán người quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, bao gồm: Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học; Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hoà nhập cộng đồng; Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.
PV