TP.HCM: 80% trường học thanh toán học phí không dùng tiền mặt
Chia sẻ tại hội thảo xã hội không tiền mặt, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, 80% trường học ở TP.HCM không dùng tiền mặt mà thanh toán điện tử. 400 trường học công tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng.
Sáng nay (12/6), tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam phối hợp với báo Tuổi trẻ đã tổ chức hội thảo Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai.
Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Tại hội thảo, các ý kiến đều cho thấy những lợi ích của thanh toán điện tử đối với việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và mở rộng dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân. Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn.
Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt… Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.
Như vậy, có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.
Tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội không tiền mặt.
Hai mục tiêu quan trọng mà TP.HCM hướng tới là người bệnh và học sinh dùng thanh toán công đã đạt "được những kết quả hết sức tốt đẹp".
Đối với học phí, 80% trường học ở TP không dùng tiền mặt mà thanh toán điện tử. 400 trường học công tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng.
Còn dịch vụ y tế thực hiện thu không tiền mặt khiêm tốn hơn, đạt 50%. Một số bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng… đã áp dụng các phương thức thanh toán điện tử. Người dân không phải đi từ 6 giờ để xếp hàng, chờ đợi khám bệnh và nộp viện phí. Những tiện ích này tạo thuận lợi rất lớn cho người bệnh.
Tuy nhiên, ông Tuyến đánh giá vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
"TP.HCM cam kết dịch vụ công không dùng tiền mặt theo chỉ thị 22 của Chính phủ. TP sẽ làm việc với các đơn vị để thúc đẩy việc này trong năm nay", ông Tuyến nói.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hành lang pháp lý để các ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Người dân không phải lo chi phí khi phải thanh toán điện tử nữa. Thanh toán không dùng tiền mặt cần có sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông.
"Tôi tin tưởng rằng sau hội thảo này TP.HCM sẽ tiếp thu được nhiều giải pháp tích cực, xây dựng thành công đô thị thông minh", ông Tuyến khẳng định.
Hoàng Thanh