TP.HCM: Thí điểm mô hình hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thành lập thí điểm 'Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn' từ năm 2022 - 2026. Đây là mô hình một cửa đầu tiên thí điểm tại Việt Nam được vận hành theo quy chuẩn của các nước trên thế giới.
Đầu vào của mô hình một cửa đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (số 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5), có chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Đầu ra đặt tại Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố (số 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp), có chức năng tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân cần tạm lánh khẩn cấp, được chuyển gửi từ Bệnh viện Hùng Vương và can thiệp trị liệu, cung cấp dịch vụ thiết yếu.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố và các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện mô hình một cửa; tham mưu trình UBND Thành phố ban hành quy chế hoạt động của mô hình một cửa.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan điều phối các hoạt động chuyên môn của mô hình một cửa; phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương và các đơn vị liên quan kết nối các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục từ Bệnh viện Hùng Vương đến các tổ chức, cá nhân.
Kinh phí hoạt động của mô hình một cửa do ngân sách Thành phố đảm bảo và được tổng hợp trong dự toán hằng năm của Sở Y tế và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
Được biết, tháng 11/2022, Sở Y tế cùng Sở Lao động – Thương binh và xã hội đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM, nêu hiện trạng các cơ sở y tế là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân ở các nhóm tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau, thông qua khám và điều trị, phát hiện được bệnh nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục, trong đó có rất nhiều trẻ em.
Tuy nhiên, các quy trình để hỗ trợ mất nhiều thời gian và không đồng bộ (các ngành chỉ tham gia hỗ trợ khi bệnh viện yêu cầu) nên nạn nhân thường bỏ cuộc.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết có mô hình một cửa nhằm hỗ trợ người bị bạo lực, xâm hại tình dục. Từ đó mới hướng bệnh nhân đến dịch vụ phù hợp hoặc can thiệp nếu bệnh nhân không có khả năng tự bảo vệ.
Ngọc Mai