Gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em, vì sao khó xử lý?
Những năm gần đây, tội phạm về tình dục nói chung và tội phạm về xâm hại trẻ em nói riêng có tính chất gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Trong số này có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Đối tượng xâm hại trẻ em trong 2 năm qua chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%).
Cơ quan chức năng xác định, có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1.500 vụ giao cấu với trẻ em. Trong 2 năm, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân.
Đây là những con số rất đáng buồn và còn có xu hướng tăng lên theo từng năm do tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng cả trong đời thực và không gian mạng. Trong khi đó, hệ quả đối với nạn nhân của những vụ xâm hại gây cho trẻ những sang chấn tâm lý nặng nề.
Luật sư Trần Thu Thủy (Văn phòng Luật sư Thiên Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với nạn nhân là trẻ em thì việc sang chấn tâm lý còn làm ảnh hưởng và nặng nề hơn rất nhiều, thậm chí suốt cả cuộc đời.
“Hệ quả của những biến cố/tai nạn đó được ví như sự tật nguyền trong tâm hồn của các em. Không đơn thuần như một sự tật nguyền về thể chất, nó khiến các em rất tự ti, mặc cảm và xấu hổ, khó hòa nhập với cộng đồng”, luật sư Thu Thuỷ nêu quan điểm.
Thế nhưng hiện nay, các vụ án, những tội ác rúng động liên quan đến trẻ em vẫn hàng ngày xảy ra. Đó là thực trạng rất đáng báo động. Tuy nhiên, để đưa ra ánh sáng, triệt tận gốc kẻ thủ dâm không phải vụ việc nào cũng có thể thành công.
Lý giải nguyên nhân này, với vai trò luật sư, bà Thuỷ chia sẻ bà đã gặp không ít khó khăn khi tham gia bảo vệ quyền lợi cho trẻ em bị xâm hại. Không giống như những vụ án khác, nạn nhân là trẻ vị thành niên, tâm lý chưa ổn định; trong khi đó, tội phạm xảy ra thường không có người làm chứng, lại ở những nơi vắng vẻ, hẻo lánh, sự việc được phát hiện muộn.
Vì nhiều lý do khách quan, việc trình báo muộn nên khi tiến hành thu thập chứng cứ rất khó khăn, bởi chứng cứ của các vụ án này rất nhanh bị phân hủy, thậm chí không thu thập được, dẫn đến khó khăn trong việc chứng minh loại tội phạm này.
“Tất cả những thực tế này gây khó khăn cho luật sư và cả những người tham gia tố tụng khác khi tham gia bảo vệ trẻ em trong các vụ xâm hại”, luật sư Thu Thuỷ nhấn mạnh.
Khó khăn tiếp đến xuất phát từ chính gia đình người bị hại. Có trường hợp gia đình người bị hại tố cáo với cơ quan chức năng, nhưng lại có vụ việc do tâm lý xấu hổ, mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị, lo ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ mà gia đình ngại tố giác, thậm chí còn để cho đối tượng xâm hại thương lượng với gia đình.
“Khi không thương lượng được hoặc khi hậu quả rất nghiêm trọng (mang thai) thì gia đình mới tố giác tội phạm. Những trường hợp này cũng gây khó khăn rất lớn trong việc xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan chức năng trong việc khởi tố”, luật sư Thu Thuỷ dẫn chứng.
Về phía nạn nhân, nhất là trẻ em đang bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, việc điều tra, thu thập chứng cứ cũng gặp những khó khăn đặc thù. Trong quá trình xử lý các vụ án, còn thiếu những bác sĩ – chuyên gia tâm lý để kịp thời hỗ trợ những nạn nhân bị xâm hại. Một điều nữa là, cán bộ tiếp nhận sự việc không phải ai cũng có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi, kỹ năng làm việc với trẻ em; chưa có nhiều thời gian công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi theo như nội dung của Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên. Do vậy, khi tiếp xúc với trẻ bị xâm hại, chưa tạo được cho trẻ sự gần gũi, tin tưởng, hay những câu hỏi cho cùng một sự việc lặp lại nhiều lần làm trẻ phải nhắc lại những sự việc kinh hoàng mà mình đã gặp mà trẻ lại rất muốn quên nó đi, không muốn nhắc đến nhưng vẫn bị gợi lại, điều đó làm cho nạn nhân thực sự khó chịu và không muốn hợp tác....
Theo chia sẻ của nữ luật sư, chừng ấy khó khăn nêu ra vẫn chưa hết. Việc lấy lời khai của các cháu cũng là quá trình hết sức khó khăn. Do đặc thù nạn nhân còn nhỏ tuổi, việc khai báo không trung thực, cũng có thể do tác động của người thân hướng cho nạn nhân khai theo hướng khác để có lợi hơn hoặc mau chóng đưa người phạm tội ra ánh sáng, khiến nạn nhân trình bày lại sự việc không đồng nhất.
Trên thực tế, trong quá trình tiến hành tố tụng, việc lấy lời khai của nạn nhân bị lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một nội dung, khiến cho nạn nhân cảm thấy ngại khi tiếp xúc, cảm giác bị làm phiền, phải nhắc lại nhiều lần sự việc mà các cháu cảm thấy rất xấu hổ, né tránh, dẫn đến tình trạng nạn nhân bất hợp tác.
Luật sư Thu Thuỷ cho rằng, việc khai thác nội dung các lời khai của nạn nhân cần người tiếp xúc vừa mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, vừa phải nắm bắt tâm lý của nạn nhân, đồng cảm, chia sẻ.
N. Huyền