Luật sư: 75% số vụ xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục
Đây là thông tin được TS. LS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) chia sẻ tại Hội thảo “Tập huấn về bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em”.
Hội thảo do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 15-16/11 tại Hà Nội.
Theo luật sư, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Đáng lưu ý, trong các vụ xâm hại trẻ em thì phổ biến nhất (chiếm tỉ lệ tới 75,4%), để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục.
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội và nhà nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ và phục hồi cho trẻ em để bảo đảm mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, không có các hành vi xâm hại, bóc lột.
Tuy nhiên, theo luật sư, trên thực tế cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Các hành vi như bỏ rơi trẻ em hoặc bóc lột trẻ em, bắt trẻ em lao động trái pháp luật cũng chưa được nêu lên xử lý.
Từ những vụ án xâm hại trẻ em ngay trong nhà trường, gia đình, luật sư Đặng Văn Cường nhận thấy công tác bảo vệ trẻ em chưa tốt.
“Khi phát hiện thì xử lý kịp thời là đúng, nhưng quan trọng là phải bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa. Thực tế, có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết hoặc làm ngơ, chỉ đến khi trẻ có dấu hiệu như bầm tím cơ thể, nguy hiểm tính mạng, hoặc báo chí phản ánh thì mới phát hiện, xử lý thì đã quá muộn”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Trước thực trạng này, ông Cường kiến nghị 8 giải pháp để bảo bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em.
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để xây dựng hệ thống các cơ quan. Cần quy định rõ ràng các khái niệm về xâm hại tình dục trẻ em, những biểu hiện của hành vi xâm hại tình dục trẻ em; thẩm quyền, thủ tục giải quyết; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ trẻ em.
Cần có cơ chế phối hợp, có sự phân công, phân nhiệm, phối hợp nhịp nhàng, rõ ràng, gắn trách nhiệm với các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em: ví dụ trách nhiệm thống kê, rà soát trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trên từng địa bàn; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa sớm trước khi sự việc có thể xảy ra; giao cho các cán bộ chuyên trách trong việc phát hiện, phối hợp xử lý với cơ quan chức năng…
Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là các chủ thể trực tiếp nuôi dưỡng, quản lý các em…
Thứ ba, cần xác định rõ những đối tượng có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trên từng địa bàn để đưa vào diện theo dõi, phát hiện nhằm hỗ trợ can thiệp và xử lý kịp thời.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, vai trò của cán bộ cơ sở cũng như chính quyền địa phương trong việc can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khi bị bạo hành, xâm hại tình dục.
Thứ năm, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc bảo vệ cho em. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc bảo vệ trẻ em.
Thứ sáu, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, khả năng nhận biết và tự bảo vệ của trẻ em qua các chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ bảy, củng cố, tăng cường lực lượng cán bộ bảo vệ trẻ em có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tốt, có đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Và thứ tám là quản lý tốt những đối tượng có nguy cơ cao về bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Những nguy cơ tấn công xâm hại tình dục trẻ em từ những đối tượng suy đồi về đạo đức cũng như có bệnh lý về tình dục. Cần sàng lọc, phát hiện ra những đối tượng có bệnh lý về tình dục, có biểu hiện tâm lý, bệnh lý bất thường, có nguy cơ mất kiểm soát về hành vi dẫn đến khả năng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em để có những can thiệp kịp thời. Những đối tượng tâm thần, nghiện ngập, không có khả năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ em thì cần phải có can thiệp kịp thời, giao cho em cho những người khác, cơ quan tổ chức khác tốt hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
N. Huyền