Tọa đàm “Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc”
Tọa đàm “Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc” trên Chuyên trang Infonet.vietnamnet.vn vào chiều 27/10/2021 đã phác họa bức tranh về hiện trạng cũng như định hướng chuyển đổi số trong công tác dân tộc.
Tọa đàm “Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc”. |
Chuyển đổi số hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó.
Trong hơn 1 năm qua, Việt Nam đã thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Ủy ban Dân tộc cũng đã sớm xác định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục - đào tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào...
Các khách mời tham gia tọa đàm gồm có: Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc; Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Đào Gia Hạnh, Phó Giám đốc Công nghệ, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS); cùng một số phóng viên cơ quan báo chí và cán bộ truyền thông doanh nghiệp.
Đồng hành trong công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, Báo VietNamNet phối hợp tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet khẳng định: "Chuyển đổi số là chủ trương lớn mà Chính phủ, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện. Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với vai trò trụ cột, nòng cốt thực hiện chủ trương này, đã tích cực hỗ trợ chuyển đổi số cho tất cả các ngành, địa phương.
Bộ trưởng Bộ TT&TT liên tục dự các cuộc họp về chuyển đổi số của các ngành: y tế, giao thông vận tải, giáo dục…".
Ông Võ Đăng Thiên, Phó tổng biên tập Báo VietNamNet phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Ủy ban Dân tộc (UBDT) là ngành đặc thù, gắn với địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đồng bào nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội rất khó khăn.
Tọa đàm sẽ tập trung trao đổi, phân tích, thảo luận về 3 nội dung chính, đó là: Hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác dân tộc; Những kinh nghiệm, lưu ý khi triển khai chuyển đổi số công tác dân tộc; Định hướng phát triển về chuyển đổi số trong công tác dân tộc".
Hiện trạng ứng dụng CNTT trong công tác dân tộc
Mở đầu chương trình tọa đàm, các khách mời tập trung nêu bật nội dung hiện trạng triển khai ứng dụng CNTT trong công tác dân tộc.
Thưa ông Nguyễn Ngọc Hà, theo ông, hiện trạng triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan thực thi công tác dân tộc có những thuận lợi, khó khăn gì nổi bật?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Chuyển đổi số nghe nhiều rồi, nhưng chúng ta cũng hiểu, công tác dân tộc liên quan tới đồng bào dân tộc, có rất nhiều hạn chế, mà hạn chế lớn nhất là về nhận thức; ngoài ra là khó khăn về kinh tế và nhiều khó khăn khác. Việc ứng dụng CNTT đã khó khăn rồi, chưa nói chuyển đổi số.
Trước hết, phải nói đến khó khăn về nhận thức của các cấp lãnh đạo.
Cơ cấu của ngành gồm UBDT ở Trung ương và Ban Dân tộc ở các địa phương. Cả nước có 53 tỉnh, thành có đồng bào dân tộc sinh sống đông người nên có 53 Ban Dân tộc. Việc ứng dụng CNTT rất hạn chế. Những người làm công tác dân tộc cũng chưa nhận thức được tính quan trọng và hiệu quả của ứng dụng CNTT.
Trong công tác dân tộc, lĩnh vực xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc là chính. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc có trình độ CNTT hạn chế, khó khăn cho công tác ứng dụng CNTT cho công tác dân tộc.
Chúng tôi xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) liên quan đến an sinh là chính, còn CNTT chưa được đầu tư nhiều lắm. Do đó, đầu tư cho CNTT, chuyển đổi số còn hạn chế, khó khăn.
Vấn đề thứ hai là đồng bào dân tộc là vùng rộng lớn, đối tượng này hạn chế nhiều thứ, liên quan đến khoảng cách, vùng sâu, vùng xa,... những nơi này ứng dụng CNTT đòi hỏi quyết tâm rất cao. Đặc thù đồng bào dân tộc là hạn chế, khó khăn cho ứng dụng CNTT cho công tác chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc nêu hiện trạng triển khai ứng dụng CNTT trong công tác dân tộc. |
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì cũng có những yếu tố thuận lợi như việc đồng bào DTTS được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chính sách về CNTT chưa nhiều.
Vừa rồi, chúng ta đã xây dựng Đề án 414 về "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025". Đây là Đề án đầu tiên liên quan đến CNTT. Khi xây dựng Đề án, khái niệm chuyển đổi số chưa hình thành, mới manh nha, nên chưa tập trung chuyển đổi số.
Đề án này giúp giải quyết rất nhiều việc, liên quan nhiều việc về ứng dụng CNTT cho công tác dân tộc, hỗ trợ đồng bào.
Thủ tướng vừa ký Quyết định 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong chương trình này có nhiều nội dung, 10 dự án lớn. Trong dự án 10 có liên quan CNTT là Tiểu dự án 2 – Tăng cường ứng dụng CNTT phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, bao gồm những việc liên quan đến ứng dụng CNTT.
Đó là những thuận lợi, khó khăn trong chuyển đổi số trong công tác dân tộc.
Thưa ông Hà, ông đánh giá thế nào về những hiệu quả bước đầu của hoạt động chuyển đổi số công tác dân tộc? Có đóng góp thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Nói về hiệu quả của chuyển đổi số, trước hết phải khẳng định lại, đây là khái niệm mới đưa vào, nhưng ứng dụng CNTT thì là khái niệm đã có, đã từ lâu.
Theo khái niệm về chuyển đổi số thì cơ sở dữ liệu (CSDL) là quan trọng nhất. Đáng mừng là Việt Nam bước đầu xây dựng được bộ CSDL về công tác dân tộc.
Cụ thể, UBDT đã có 2 cuộc tổng điều tra kinh tế - xã hội vùng từ 2015 và từ năm 2019. Qua đó, dữ liệu về công tác dân tộc được thu thập; Bức tranh tình hình kinh tế xã hội được vẽ ra. Hệ thống chương trình quản lý về dân tộc đã hình thành, nhưng nhiều công nghệ mới vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu đầu vào giúp cho việc xây dựng chính sách sẽ tốt hơn thời gian tới cho đồng bào thời gian tới.
Ngoài ra, các địa phương đang xây dựng dữ liệu cho mình tương trình các tỉnh thành sẽ định hình được bức tranh về quản lý công tác dân tộc, bước đầu là quản lý dữ liệu.
Vậy đâu là những điểm đặc thù trong chuyển đổi số công tác dân tộc mà các ngành, lĩnh vực khác không có, thưa ông Hà?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Đặc thù chuyển đổi số không chỉ có ở lĩnh vực DTTS. Đồng bào dân tộc sống phân tán (14 triệu đồng bào ở 53/63 tỉnh, thành) nên việc triển khai ứng dụng CNTT gặp nhiều khó khăn.
Đồng bào phân tán, nhất là khu vực biên giới, do đó ứng dụng CNTT rất cần thiết. Xa nên cần CNTT để kết nối. Đồng bào khó khăn, do đó triển khai ứng dụng CNTT cho đồng bào cũng cần dựa trên thực tế khó khăn này.
Khoảng cách giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược vốn khác nhau nên ứng dụng CNTT giữa các khu vực cũng khác nhau. Ví dụ, miền núi khác vùng biển. Do đó, các phần mềm quản lý dữ liệu, xây dựng chương trình ứng dụng cho đồng bào sẽ khác biệt. Thực tế việc ứng dụng còn nhiều hạn chế, mới dừng lại ở mức ứng dụng CNTT. Để tiến tới chính quyền số, chính phủ số thì còn là bước dài. Nhưng đây là sở cứ (cơ sở dữ liệu về đồng bào dân tộc) bước đầu cho việc hình thành các bộ chỉ số sau này và các chính sách sẽ bám sát thực tiễn hơn.
Mỗi địa phương sẽ có những chính sách riêng hỗ trợ đồng bào. Muốn xây dựng chính sách tốt phải có hệ thống quản lý, vận hành, trong đó CNTT rất cần thiết.
Có 2 đặc thù của ngành công tác dân tộc đó là: Xây dựng chính sách cho đồng bào dân tộc; Khoảng cách số giữa đồng bào dân tộc với những dân tộc khác còn rất lớn.
Với góc nhìn của một nhà quản lý về lĩnh vực chuyển đổi số, xin được hỏi ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông: Ông đánh giá thế nào về những điểm đặc thù trong chuyển đổi số công tác dân tộc?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Khám chữa bệnh từ xa, thương mại điện tử (TMĐT) đều có thể áp dụng cho đồng bào. Rộng về không gian, trải về nội dung áp dụng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào. Chính nhờ các chính sách mới liên quan đến chuyển đổi số, nhiều bài toán sẽ được giải nhờ chuyển đổi số mà đồng bào đã được thụ hưởng.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Và với góc nhìn của một doanh nghiệp đã hợp tác triển khai chuyển đổi số cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, xin được hỏi ông Đào Gia Hạnh – Phó Giám đốc Công nghệ, Công ty Hệ thống thông tin FPT ấn tượng của ông về những điểm đặc thù trong chuyển đổi số công tác dân tộc?
Ông Đào Gia Hạnh: Chuyển đổi số bản chất cho các cơ quan nhà nước tập trung vào 2 đối tượng: Các cán bộ nhà nước để thực thi công việc quản lý nhà nước; Đối tượng thụ hưởng – người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả của chuyển đổi số, tiếp cận tốt hơn tài nguyên của xã hội, gia tăng lợi ích trong đời sống.
Trong bài toán chuyển đổi số của công tác dân tộc, câu chuyện đầu tiên liên quan cán bộ cũng giống các bộ ngành khác. Nhưng vế 2 – đối tượng thụ hưởng thì rất đặc thù. Đồng bào DTTS tiếp cận CNTT rất hạn chế. Triển khai dịch vụ số xuống thì làm sao người ta thụ hưởng được.
Ngành tài chính, người dân dễ hấp thụ; ngành viễn thông, người dân dễ mua điện thoại. Còn với công tác dân tộc, làm chuyển đổi số làm sao để người dân tộc thiểu số thụ hưởng được? Tôi tin chúng ta sẽ làm được, dù đó là đặc thù khó khăn.
Theo góc nhìn cung cấp dịch vụ CNTT thì đó là 1 đặc thù không giống các ngành khác.
Thứ hai, khác rất nhiều với chuyển đổi số cho các tỉnh, thành, bộ, ngành. Cho tỉnh thì sẽ hẹp hơn về phạm vi so với chuyển đổi số công tác dân tộc – 53 tỉnh, thành, phạm vi rất rộng, gồm cả vùng sâu, vùng xa. Còn so với bộ, ngành thì nội dung chuyển đổi số công tác dân tộc lại rộng hơn rất nhiều. Chuyển đổi số công tác dân tộc có cả an sinh xã hội, bảo tồn văn hóa, phát triển sinh kế, thậm chí đưa cả thương mại điện tử vào công tác dân tộc...
Rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy vấn đề rất rộng. Chuyển đổi số công tác dân tộc động chạm tới cả giáo dục, an sinh, văn hóa, du lịch, y tế… Trong từng ngành riêng lẻ thì không thể rộng như thế. Công tác dân tộc liên quan tới nhiều vấn đề đời sống của đồng bào dân tộc. Vừa rộng về không gian vừa rộng về nội dung. Sẽ có rất nhiều bài toán về chuyển đổi số trong công tác dân tộc. Đó là những đặc thù, cũng là những khó khăn cần phải giải quyết. Nhưng khó khăn cũng sẽ là cơ hội.
Những kinh nghiệm, lưu ý khi triển khai chuyển đổi số công tác dân tộc
Theo đánh giá của UBDT, đâu là những địa phương Top đầu cả nước về chuyển đổi số công tác dân tộc, thưa ông Nguyễn Ngọc Hà? Từ những địa phương này, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm nào để có thể chia sẻ, nhân rộng ra nhiều địa phương khác?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Công tác dân tộc liên quan nhiều tỉnh thành, do đó ứng dụng CNTT liên quan rộng. Bộ TT&TT là đơn vị đầu mối và chỉ số ICT Index chính là một trong những chỉ số tiêu biểu.
Top đầu cả nước về chuyển đổi số công tác dân tộc cũng nằm trong việc ứng dụng CNTT của địa phương. Ví dụ, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Quảng Ninh đều ứng dụng CNTT rất tốt, do đó, CNTT về công tác dân tộc cũng tốt theo. Cụ thể, ngay từ 2015, Thừa Thiên Huế đã có các biểu đồ về dân số, kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS – nó nằm trong đề án ứng dụng CNTT chung của địa phương.
Tuy chưa có đánh giá ứng dụng CNTT về công tác dân tộc, nhưng theo bộ chỉ số ứng dụng CNTT các địa phương thì cũng dễ thấy, tỉnh nào ứng dụng CNTT tốt thì công tác dân tộc cũng tốt theo.
Tuy nhiên, Lai Châu có sự khác biệt so với bức tranh ứng dụng CNTT nói chung, công tác dân tộc nói riêng. Tuy chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh này chưa ấn tượng, nhưng CSDL về công tác dân tộc của Lai Châu đang làm lại rất tốt.
Về lâu dài cần có chương trình hỗ trợ, huy động được doanh nghiệp CNTT tham gia hỗ trợ đồng bào. Nếu doanh nghiệp CNTT không tham gia (sợ lỗ, không có chính sách hỗ trợ họ) thì rất khó nói đến chuyển đổi số tại các địa phương vốn gặp nhiều khó khăn nói chung, chuyển đổi số nói riêng.
Nhìn theo hướng ngược lại thì đâu là những địa phương Top cuối? Nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì khiến họ đang ở cuối bảng xếp hạng?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Chúng tôi chưa xây dựng chỉ số đánh giá ứng dụng CNTT trong công tác dân tộc ở các tỉnh. Trên cơ sở bộ chỉ số do Bộ TT&TT xây dựng thì thấy những tỉnh đứng ở Top cuối cũng nằm trong những tỉnh top cuối về ứng dụng CNTT trong chỉ số ICT Index. Tuy nhiên, cũng có những tỉnh như Lai Châu lại rất tốt, đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm hỗ trợ hoạch định chính sách…
Về cơ bản là ứng dụng CNTT còn rất hạn chế. Những khó khăn tồn tại đến giờ vẫn là những khó khăn chung.
Chúng tôi mong muốn phải có định hướng hoặc chương trình hỗ trợ huy động được doanh nghiệp CNTT lên những vùng này để đầu tư. Đầu tư ở đó rất khó có lãi. Phải thế nào? Nếu không thì không ai lên. Chính doanh nghiệp CNTT là nền tảng, lực lượng chính để phục vụ cho việc chuyển đổi số của các tỉnh nói chung cũng như chuyển đổi số công tác dân tộc nói riêng. Nếu chưa có chính sách thì cũng khó.
Xin được đặt câu hỏi với ông Đào Gia Hạnh: Từ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trên thực tiễn, theo ông, đâu là những nhược điểm, những vấn đề bất cập đang gây khó khăn cho công tác chuyển đổi số của hệ thống các cơ quan thực thi công tác dân tộc cần ưu tiên giải quyết sớm? FPT có giải pháp gì giúp các cơ quan này khắc phục nhược điểm, bất cập?
Ông Đào Gia Hạnh: Bất cập đầu tiên có thể nhìn thấy là việc đầu tư cho hạ tầng và ứng dụng CNTT vẫn còn hạn chế. Nếu so với những Bộ như Bộ Tài chính hay các tỉnh như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh… thì mức đầu tư cho CNTT cho công tác dân tộc còn nhiều khoảng cách dẫn tới khó khăn trong các cơ quan làm công tác dân tộc, nhất là các địa phương vùng sâu vùng xa.
Trong việc triển khai chuyển đổi số, việc xây dựng, khai thác các loại CSDL là rất quan trọng. Theo tôi, việc xây dựng, tích lũy dữ liệu số trong lĩnh vực dân tộc hiện còn nhiều khó khăn, việc xây dựng CSDL dân tộc còn đang rất tốn công và chi phí. Những mô hình khảo sát thu thập dữ liệu định kỳ, mô hình dữ liệu 3 cấp sẽ có những độ trễ nhất định và tốn chi khá nhiều chi phí thực hiện.
Những dữ liệu quan trọng như CSDL về thực trạng kinh tế - xã hội nếu được cập nhật nhanh hơn sẽ giúp cho các cơ quan thực thi công tác dân tộc ra được quyết định nhanh chóng chính xác hơn. Ví dụ, khi triển khai các chương trình mục tiêu, chúng ta cần có nhanh chóng dữ liệu kinh tế - xã hội dân tộc để có thể đánh giá hiệu quả của công tác thực hiện để có thể ra được những quyết sách hay điều chỉnh kịp thời.
Cuối cùng là khả năng ứng dụng CNTT của những người làm công tác dân tộc cần phải được nâng cao, đặc biệt là của những cán bộ ở các tỉnh miền núi.
FPT với vai trò là công ty công nghệ hàng đầu có thể có thể cung cấp những nền tảng tích hợp dữ liệu tiên tiến, phát triển những ứng dụng phục vụ thu thập cập nhật dữ liệu đồng bộ nhanh chóng từ nguồn, cung cấp những công cụ phân tích dự báo giúp cho việc quản lý điều hành của cơ quan thực thi công tác dân tộc được nhanh chóng kịp thời và hiệu quả.
FPT cũng có thể cung cấp những hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nền tảng cho việc phát triển ứng dụng, ứng dụng những công nghệ tiên tiến mà tập đoàn FPT đang sở hữu (công nghệ số hóa dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ tự động hóa,…) để việc đầu tư được nhanh chóng và hiệu quả hơn, tăng cường được chất lượng công việc của cán bộ làm công tác dân tộc
Chúng ta có thể nghĩ tới các công nghệ mà FPT đang sở hữu trong việc số hóa lượng lớn dữ liệu dân tộc dùng thị giác máy để thực hiện, có thể dùng công nghệ chuỗi khối (AkaChain) trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm của bà con DTTS, ứng dụng công nghệ tự động hóa (AkaBot) để giảm thiểu những công việc con người phải làm trực tiếp (đặc biệt trong những công việc không phức tạp nhưng lại lặp đi lặp lại).
FPT cũng sở hữu nền tảng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt có thể áp dụng trong việc xây dựng những tư liệu học tập/văn hóa trong công tác dân tộc hay là trong các tổng đài hỗ trợ đồng bào DTTS.
UBDT cũng có chủ trương xây dựng và dịch chuyển lên môi trường điện toán đám mây, Công ty FPT Smart Cloud có thể cung cấp cho UBDT các giải pháp kỹ thuật từ tài nguyên tính toán đến nền tảng phát triển ứng dụng trên đó.
Những bài toán cần tổng hợp phân tích dữ liệu thì FPT có Nền tảng phân tích dữ liệu lớn (Big Data & Analytics Platform) phục vụ cho nhiều nhu cầu điều hành quản lý trong công tác dân tộc. Đây là những công nghệ của Việt Nam, do chính FPT sở hữu nên có thể đảm bảo hỗ trợ an toàn và tiết kiệm với tốc độ triển khai nhanh trong các bài toán của công tác dân tộc.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, FPT cũng sẵn sàng chung tay cung cấp những nền tảng đào tạo tiên tiến và những khóa đào tạo về chuyển đổi số, đào tạo về năng lực vận hành hệ thống cũng như đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
Ông Đào Gia Hạnh – Phó Giám đốc Công nghệ, Công ty CHệ thống thông tin FPT (FPT IS) |
Thưa ông Nguyễn Phú Tiến, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu gặp khó khăn trong quá trình triển khai chuyển đổi số thì có thể liên hệ với Bộ, cụ thể là với Cục Tin học hóa để có sự hỗ trợ. Vậy Cục Tin học hóa đã và đang chuẩn bị những gì để sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan thực thi công tác dân tộc triển khai chuyển đổi số hiệu quả?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Câu hỏi khá là rộng. Hỗ trợ chuyển đổi số cho các đối tượng khác nhau trong xã hội liên quan tới rất nhiều vấn đề.
Thời gian qua, Bộ TT&TT và Cục Tin học hóa đã làm được mấy việc chính, thúc đẩy chuyển đổi số thời gian tới: Tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, viết rất vất vả, gần 2 năm. Tại thời điểm chúng tôi viết chương trình này thì chưa có khái niệm chuyển đổi số rộng rãi như bây giờ. Nhưng sau khi chương trình ra đời, gần như trong các chương trình, nghị quyết đều có chuyển đổi số. Đó là sự đồng hành của Bộ TT&TT cùng thay đổi nhận thức.
Thứ hai, có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số hàng năm, 5 năm. Về định hướng, chương trình, thể chế, Bộ luôn cố gắng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, cố gắng bắt kịp xu thế.
Còn về các hoạt động cụ thể, thời gian qua, Bộ làm việc rất nhiều với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt những bộ, ngành, địa phương đang liên quan thiết yếu tới chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, ví dụ như Bộ NN&PTNT; Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT, Viện KSND, Tòa án nhân dân… nhằm thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ thiết yếu đời sống người dân, doanh nghiệp. Thông qua các buổi làm việc đều có các chương trình hợp tác rất cụ thể.
Thứ ba là triển khai trực tiếp các hệ thống. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy triển khai các nền tảng chung của quốc gia, như nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, với 200.000 giao dịch mỗi ngày của cơ quan nhà nước. Với những dữ liệu này, người dân sẽ không phải dùng văn bản giấy khi thực hiện các dịch vụ công, trong đó có cả người dân tộc thiểu số.
Bộ cũng phối hợp các địa phương triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã, Yên Mô – Ninh Bình, Vi Hương – Bắc Kạn… Chúng tôi muốn cùng địa phương thí điểm chuyển đổi số cấp thấp nhất của chính quyền để thấy lợi ích, có kinh nghiệm để nhân rộng mô hình lớn hơn. Không thể làm phong trào, khẩu hiệu mãi được. Phải thấy rõ lợi ích của người dân.
Chuyển đổi số tại cấp xã cũng có 3 trụ cột: Chính quyền số (giao tiếp với người dân qua Zalo, cung cấp dịch vụ trực tuyến, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh; cài đặt các hệ thống censor, camera theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội… để có thông tin trực tuyến); Kinh tế số (giúp người dân bán sản phẩm, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn, khó tiếp cận thị trường, qua trung gian thì người dân hưởng lợi rất ít. Vừa rồi người dân xã Vi Hương bán sản phẩm, thuốc gia truyền qua mạng… Trước kia thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng, sau bán qua mạng được 4,5 – 5 triệu đồng/tháng); Xã hội số (triển khai các dịch vụ cơ bản nhất, như y tế, kết nối bệnh viện từ cấp thấp lên cấp cao qua telehealth, bác sĩ chẩn đoán bệnh từ xa trên quy mô toàn quốc để điều trị cho người dân; ở Yên Mô – Ninh Bình, nếu bác sĩ tư vấn từ xa thì người dân tiết kiệm được 500 triệu đồng/năm. Hoặc về giáo dục, kết nối đường truyền để giáo viên dạy trực tuyến…).
Chúng tôi đã cố gắng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thay đổi nhận thức, cho thấy chuyển đổi số đem lại giá trị thật. Chúng tôi đã tổng kết và sẽ chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng...
Để giúp các địa phương đánh giá thì chúng tôi có cẩm nang về chuyển đổi số, có những khái niệm ban đầu. Qua đó, các địa phương có thể biết mình đang ở đâu để phấn đấu trong thời gian tới.
Cục sẵn sàng phối hợp làm việc với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số, để mọi người dân không ai bị để lại phía sau.
Định hướng phát triển
Câu hỏi gửi tới ông Nguyễn Ngọc Hà: Xin ông cho biết những điểm đáng chú ý trong Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác dân tộc năm 2021 là gì? Định hướng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc đến năm 2025 và 2030 cần chú trọng những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Kế hoạch ứng dụng CNTT của UBDT, trước tiên là Kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2025 được triển khai với đầy đủ các trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số…
Tuy nhiên, chuyển đổi số là cả quá trình, nhưng quá trình nhận thức phải nhanh và cần chuyển đổi trước tiên. Do vậy, đầu tiên UBDT đã xây dựng các phương án tuyên truyền, đào tạo cho cán bộ làm công tác hiểu chuyển đổi số là gì.
Kế đến là xây dựng hạ tầng CNTT cho chuyển đổi số. Trước hết là hạ tầng điện toán đám mây có vai trò quan trọng và thời gian tới UBDT sẽ có những bước đi cụ thể để xây dựng hạ tầng này.
Thứ 3 là đào tạo trực tuyến cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương lẫn Trung ương; sau đó là đào tạo CNTT cho cả đồng bào vùng được chọn.
Thứ 4 là hạ tầng CNTT ngành làm công tác dân tộc cũng sẽ được đẩy mạnh. Thực tế, việc triển khai ứng dụng CNTT vùng đồng bào không thể làm riêng lẻ, do đó UBDT cần sự chung tay đồng hành của nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ TT&TT.
Thứ 5, UBDT đang xây dựng các điểm phục vụ truy cập/tiếp cận, ứng dụng CNTT vùng đồng bào dân tộc. Mục tiêu là 100% đồng bào được tiếp cận thông tin, với các điểm truy cập nằm ngay tại các xã khó khăn.
Thứ 6, UBDT sẽ tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền tổng thể ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho cán bộ và đồng bào để hiểu hơn các khái niệm và lộ trình thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Hà nêu những điểm đáng chú ý trong Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác dân tộc năm 2021. |
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) là yếu tố rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số? Quá trình xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành công tác dân tộc đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Hướng tháo gỡ ra sao, thưa ông?
Chúng ta làm công nghệ thì biết CSDL rất quan trọng. Từ những dữ liệu nhỏ đến dữ liệu lớn. Trong công nghệ 4.0, big data thì ai cũng phải nói đến. Đối với công tác dân tộc, đây là điều rất quan trọng. Việc hoạch định, xây dựng chính sách phải dựa vào CSDL. Ví dụ giải quyết bài toán đất ở, phải dựa vào data: Mỗi người dân có đất ở, đất sản xuất không? Với hơn 14 triệu đồng bào, đây là bài toán rất lớn? Dữ liệu vô cùng quan trọng.
Khó khăn lớn nhất của việc xây dựng CSDL là không đồng bộ, mỗi tỉnh một khác, chưa có tổng thể chuẩn, phụ thuộc năng lực, đầu tư của mỗi tỉnh. Nếu không có bài toán tổng thể thì khó hoạch định chính sách toàn quốc.
Bài toán về dữ liệu lớn rất quan trọng. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự phân tán, không đồng bộ, nôm na là chắp vá, không được cập nhật thường xuyên. Nếu giải quyết được bài toán này mới giải quyết được bài toán tổng thể chính sách cho đồng bào dân tộc.
Có CSDL rồi thì khai thác cũng là một vấn đề. Dữ liệu nhiều mà không có công nghệ thì nhiều khi người làm chính sách hoa mắt. Phải đòi hỏi có công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Không thể mò mẫm từng dữ liệu để làm mà phải có thuật toán, nghiên cứu khoa học bằng máy, thiết bị. Nếu không sẽ dễ sai lầm. Dữ liệu và công nghệ xử lý dữ liệu, đặc biệt là là AI rất cần thiết.
Đội ngũ nhân lực, đặc biệt là các chuyên gia về chuyển đổi số đã và đang được hệ thống các cơ quan từ trung ương tới địa phương đầu tư xây dựng như thế nào để tạo được bứt phá cho tiến trình chuyển đổi số công tác dân tộc?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Con người là quan trọng. Con người khai thác, ứng dụng CNTT hạn chế thì sẽ rất khó khăn. Theo Quyết định 414 của Thủ tướng Chính phủ, việc đào tạo CNTT cho cán bộ làm công tác dân tộc sẽ phải thay đổi.
Thực tế, trình độ cán bộ cơ sở hạn chế nên việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của UBDT thời gian qua cũng bị hạn chế. Do đó, nâng cao năng lực CNTT của cán bộ làm công tác dân tộc một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 414- ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đang được UBDT tích cực triển khai.
Thưa ông Hạnh, là một người có nhiều kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong nhiều năm qua, theo ông, định hướng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc đến năm 2025 và 2030 cần chú trọng những vấn đề gì? Những doanh nghiệp như FPT muốn UBDT và các cơ quan liên quan ưu tiên, quan tâm đầu tư những nội dung công việc nào nhiều nhất trong thời gian tới?
Ông Đào Gia Hạnh: Tại lễ ký kết hợp tác chiến lược mới đây với UBDT, chúng tôi đã trình bày 8 nhiệm vụ quan trọng: Trước hết là về truyền thông. Trong thỏa thuận hợp tác này, FPT cam kết dùng những phương tiện truyền thông của mình để hỗ trợ. Truyền thông để nâng cao nhận thức, cung cấp cho đồng bào DTTS những thông tin lợi ích và cơ hội mà chuyển đổi số đem lại.
Hai là, đào tạo về nhận thức cũng như kỹ năng số cho cán bộ làm công tác dân tộc. Đây là nhiệm vụ quan trọng.
Ba là, xuất phát từ hạn chế ban đầu, phải phát triển hạ tầng số, dữ liệu, nền tảng số. Đây là việc chung, bộ ngành nào cũng phải làm.
Bốn là phát triển chính phủ số, trong đó cần hoàn thiện phần mềm về chính phủ điện tử đang có, cung cấp các dịch vụ số cho đồng bào DTTS, đưa vào số hóa và khai thác được thông tin, phát triển thêm các phần mềm chuyên ngành và tất cả đều tuân thủ khung kiến trúc chính phủ điện tử 2.0 do Bộ TT&TT ban hành.
Bên cạnh chính phủ số có trụ cột kinh tế số và xã hội số, có rất nhiều câu chuyện, nhưng từ góc độ FPT thấy việc hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của đồng bào dân tộc cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho bà con DTTS là rất quan trọng, đem lại hiệu quả tức thì. FPT có sàn thương mại điện tử Sendo có thể hỗ trợ, xây dựng chương trình giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế số cho đồng bào dân tộc.
Năm là phát triển xã hội số, trong đó tập trung làm sao để đồng bào dân tộc phải tiếp cận được thông tin về kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.
Một nội dung trong công tác dân tộc là bảo tồn, duy trì văn hóa dân tộc dưới những nền tảng số (xưa có nhà trưng bày, giờ số hóa, đưa thành multi-media, chuyển đổi số để bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, tham vọng xây dựng bộ từ điển tiếng dân tộc). Đặc biệt quan trọng là liên quan đến an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào thiểu số trong công ăn việc làm, khám chữa bệnh từ xa, làm sao cung cấp dịch vụ tốt cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa. FPT đã có sẵn nền tảng, đã triển khai rồi để phục vụ phát triển xã hội số.
Ngoài ra cũng còn một số nhiệm vụ khác. Trọng tâm là phải đánh giá được hiệu quả chuyển đổi số qua các bộ chỉ tiêu. Trong quá trình làm chuyển đổi số cho công tác dân tộc, chúng ta thì phải làm nhanh gọn, cái gì tốt thì nhân rộng, không tốt thì bỏ ngay. Tất cả những cái đó phải dựa trên phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội DTTS sau khi áp dụng chuyển đổi số.
Trong những nhiệm vụ này, chúng tôi cho rằng sẽ có một số nhiệm vụ đặt ưu tiên mức cao. Ví dụ công tác truyền thông về nhận thức. FPT có báo VnExpress là tờ báo Tiếng Việt nhiều độc giả nhất có thể hỗ trợ công việc này, và tôi tin rằng qua những kênh truyền thông như vậy sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Việc quan trọng thứ hai là đào tạo kỹ năng. Xây dựng hệ thống nhưng không có người đủ năng lực vận hành để cung cấp dịch vụ cho người dân tộc thì cũng không mang lại tác dụng.
Ngoài ra, phải đào tạo được cho đồng bào DTTS về nghề nghiệp, họ phải được tiếp cận với những cơ hội, những tài nguyên của xã hội. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy những việc đó đến với đồng bào dân tộc nhanh hơn rất nhiều.
Liên quan kinh tế số, cần đưa chuyển đổi số vào việc giúp tăng cường năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc, tăng cường năng lực tiêu thụ được sản phẩm. Tham gia sàn thương mại điện tử có thể hỗ trợ việc này.
Cuối cùng là các câu chuyện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… Nếu làm tốt sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa đồng bào DTTS với miền xuôi, giúp cuộc sống của đồng bào tốt đẹp hơn.
Là “người trong cuộc”, ông Nguyễn Ngọc Hà có đề xuất, kiến nghị gì với Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số công tác dân tộc trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Ngọc Hà: Đơn vị chủ trì vẫn là Bộ TT&TT. Tôi thấy Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là người đi nhiều, nói nhiều về chuyển đổi số; đến làm việc các đơn vị đều hỏi rõ các đơn vị có đặt hàng gì Bộ TT&TT không? Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, sự hưởng ứng của các bộ ngành nói riêng, trong đó có UBDT, chắc chắn công cuộc chuyển đổi số sẽ có những thành quả rõ nét thời gian tới.
Có thể thấy, Bộ TT&TT nói chung, Bộ trưởng nói riêng như “con thoi” và rất tích cực tuyên truyền, khích lệ về chuyển đổi số, không chỉ những lĩnh vực như y tế, giáo dục, GTVT… UBDT cũng không nằm ngoài “guồng quay” ấy. Tôi tin chắc 5 năm tới, bộ mặt ứng dụng CNTT không chỉ của UBDT chắc chắn sẽ có những bước chuyển biến rõ nét khi có sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ TT&TT.
Bộ TT&TT được giao trọng trách “nhạc trưởng” trong triển khai chuyển đổi số quốc gia. Ông Nguyễn Phú Tiến có đề xuất, kiến nghị gì với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan quản lý khác để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số công tác dân tộc, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã trình ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai chuyển đổi số.
Tôi xin khuyến nghị mấy nội dung. Thứ nhất, về triển khai chuyển đổi số trong công tác dân tộc, vẫn phải làm theo cả 3 trụ cột:
Về chính quyền số, UBDT đã xây dựng kế hoạch, tuân thủ những nội dung theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như hướng dẫn của Bộ. Sau khi ban hành kế hoạch thì cố gắng thực hiện các nội dung trong kế hoạch đó.
Khi triển khai kế hoạch chuyển đổi số của UBDT, tôi xin nhấn mạnh mấy ý: Mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số của UBDT là để phát triển chuyển đổi số cho đồng bào DTTS. Khác với các bộ, ngành khác, thường là theo lĩnh vực quản lý, ví dụ giao thông, văn hóa thể thao du lịch, công nghệ…, riêng UBDT lại theo đối tượng quản lý (đồng bào DTTS). Ở đây đặc thù là quản lý đối tượng con người, bao hàm cả các ý kia.. Với đặc thù đó, tôi khuyến nghị, UBDT phải phối hợp chặt chẽ các kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của các bộ, ngành khác. Ví dụ có Đề án 414 và chương trình riêng, UBDT phải lồng ghép với các ngành khác. Ví dụ chương trình mục tiêu về nông thôn mới có liên quan trực tiếp với công tác dân tộc. Một số chương trình của Bộ NN&PTNT, LĐTB&XH… đều có liên quan.
Khi triển khai chính phủ số, cần lưu ý: Phải có CSDL, nên tập trung hóa dần. Tránh tình trạng 53 CSDL khác nhau. Định hướng là dữ liệu lớn, tập trung và kết nối, chia sẻ. Như Bộ TN&MT, nhập liệu từ các địa phương đưa lên, sẽ kết nối chia sẻ chung dữ liệu với cả các ngành khác.
UBDT nên kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để các CSDL đang có của các bộ, ngành khác. Ví dụ đã có sẵn CDSL về dân cư, CSDL về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL quốc gia về hộ tịch…, đang kết nối với nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Đặc thù của mình là tổng thể các lĩnh vực, nên UBDT phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác.
Về nền tảng số, khi triển khai các ứng dụng nên dựa trên các nền tảng số. Đây là 1 trong những việc cần nhấn mạnh. Trước triển khai nhỏ lẻ, manh mún, tốn thời gian xây dựng, lại tốn kém, mà không liên thông, chia sẻ dữ liệu, không hiệu quả. Giờ nên triển khai dưới dạng nền tảng. Khái niệm nền tảng khá rộng, nhưng có thể hiểu là những gì chung nhất, có thể kết nối chia sẻ, và phần ở dưới chính là nền tảng. Ví dụ 53 tỉnh có Ban Dân tộc thì dùng 1 phần mềm chung, trên nền đó có những ứng dụng cơ bản, và có thể bổ sung thêm những ứng dụng đặc thù.
Chúng tôi khuyến nghị UBDT triển khai dưới góc nhìn nền tảng số. Những cái đó nên làm trước. Hiện đã làm móng chung rồi. Không nên xây nhà xong mới làm móng, rất nguy hiểm. UBDT hãy sớm kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ dữ liệu đã có.
Đó là 2 điểm tôi nhấn mạnh về chính phủ số. Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp với UBDT để triển khai.
Về kinh tế số, đừng làm ồ ạt rộng quá. Hãy làm ứng dụng nhỏ cho bà con thấy ngay lợi ích. Ví dụ thấy thông tin trên mạng về dự báo thị trường, thông tin làm đầu vào cho sản xuất… Không cần phải làm những gì quá to tát.
Về xã hội số, cũng tập trung những ứng dụng hiệu quả luôn cho người dân. Ví dụ, về giáo dục, không nhiều giáo viên giỏi "cắm chốt" ở vùng sâu vùng xa, giờ với học trực tuyến, học sinh ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận được với cả những giáo viên giỏi nhất. Hai lĩnh vực thiết yếu nhất là y tế, giáo dục.
Trong 8 lĩnh vực của chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi đề xuất tiêu chí ưu tiên là những dịch vụ thiết yếu nhất liên quan đến người dân: y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên môi trường, năng lượng… Đó cũng là những lĩnh vực thiết yếu cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân sống hạnh phúc, được trải nghiệm nhiều tiện ích…
Những khó khăn của UBDT cũng chính là những bức xúc, có thể thuyết phục xã hội chung tay thúc đẩy.
Mặt khác, khi nói với đồng bào dân tộc, không nên nói những lời hoa mĩ quá. Hãy cố gắng tiếp cận ngay những công nghệ mới, rẻ, tiện ích, tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức của con người.
Bộ TT&TT sẽ đồng hành với UBDT. Chuyển đổi số quốc gia sẽ kéo theo tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có cả đồng bào dân tộc và công tác dân tộc.
Cảm ơn các vị khách mời đã đến dự tọa đàm, đóng góp, chia sẻ nhiều thông tin quý báu để tọa đàm thành công tốt đẹp!
Nhóm phóng viên