Tiền Giang: Tăng phòng ngừa để giảm tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội; bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi: Người quen, người lạ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè trong và ngoài nhà trường…
Trẻ em bị xâm hại gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng bị ảnh hưởng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu lực lượng Công an các cấp chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em; quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về xâm hại trẻ em, thanh thiếu niên hư hỏng, có lối sống không lành mạnh, thường xuyên sử dụng rượu, bia, nhất là đối tượng là người thân của trẻ em có hoàn cảnh gia đình cha mẹ ly thân, ly hôn để chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên; phát động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng, củng cố các tổ bảo vệ dân phố, tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tiến hành công tác khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em dễ bị bạo hành, xâm hại; diện đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em... từ đó, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Ngành LĐTB&XH tỉnh được giao đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em với các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng; chú trọng tuyên truyền vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em có sự tham gia của cộng đồng, các thành viên gia đình, giáo viên và trẻ em.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em lồng ghép vào chương trình chính khóa đối với một số môn học ở các trường phổ thông và các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; chú trọng công tác giáo dục giới tính trong môi trường học đường, trang bị cho các em những kiến thức, hiểu biết cần thiết để tự bảo vệ bản thân cũng như việc tố giác hành vi khi bản thân bị xâm hại; hướng dẫn, trang bị cho học sinh các kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Đặc biệt, các địa phương tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, bảo mật thông tin trẻ em bị xâm hại và kịp thời có chính sách hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho các em để ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhưng về lâu dài vẫn phải có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em.
Tiến Quang