Tiền Giang: Các cấp cần chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người
Ngày 03/7, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND về việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt, sâu rộng hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7", tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn xã hội đối với công tác phòng, chống mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người; phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
Tăng cường tuyên truyền cho người dân chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh chống tội phạm mua bán người. (Ảnh minh họa) |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương, chú trọng tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc có nguy cơ cao bị mua bán. Thực hiện treo các pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu, hành động có nội dung "Tích cực hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người"; "Chung tay phòng, chống nạn mua bán người" và "Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội" tại các trung tâm, thị trấn, thị tứ, các nơi công cộng, trụ sở chính quyền, cơ quan, trường học, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.
Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, trao đổi, tư vấn, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và các vấn đề khác có liên quan. Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa mua bán người hoạt động hiệu quả; duy trì hoạt động và nâng cấp mô hình "Ngôi nhà bình yên" để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, kết nối với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân và Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người sử dụng mạng internet, viễn thông và mạng xã hội về việc tự bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường mạng, để không bị cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác thông tin thực hiện việc mua bán người; động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
P.Liên