Thương hiệu quốc gia tạo cạnh tranh sản phẩm, bệ phóng cho doanh nghiệp vươn xa
Sau 9 tháng rà soát, lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã công nhận 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đủ điều kiện là những đại diện tiêu biểu cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.
Con số này cho thấy, so với năm 2020, năm 2022 cả nước đã có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Rất nhiều các thương hiệu như Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Điện cơ Thống Nhất, khóa Việt Tiệp, PNJ, sữa TH True Milk, Hòa Phát, Hoa Sen, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Bảo Việt, BRG, Trường Hải Auto, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình... đã được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện từ năm 2003 với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu Việt, quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Bộ trưởng, để hiện thực hóa mục tiêu này, với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế triển khai có hiệu quả 3 nội dung cơ bản của chương trình, gồm: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá cho chương trình gắn với quảng bá sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
“Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, kiến tạo những giá trị, sức mạnh mới cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ
Thông qua chương trình, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong và nước ngoài. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và đã khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt, nâng đỡ các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, đây không chỉ là niềm vinh dự của các doanh nghiệp được tôn vinh mà còn là niềm vui, niềm tự hào của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, nó đã minh chứng cho sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và những nỗ lực vượt bậc, năng lực tiên phong của doanh nghiệp Việt để hướng tới làm chủ tương lai, góp phần nâng tầm Thương hiệu quốc gia, nhân lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam.
Có thể thấy, qua gần 19 năm hình thành và phát triển, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Khôi Nguyên