Thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng như thế nào đến giới trẻ?
Cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều là những loại sản phẩm thế hệ mới chứa nicotine hiện chưa được phép bán tại Việt Nam và đang trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
Ảnh minh hoạ |
Bắt giữ trên 1.200 sản phẩm thuốc lá điện tử
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và phát hiện hàng ngàn sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa có dấu hiệu giả mạo thương hiệu.
Theo đó, vào ngày 9/7, trên quốc lộ 18 thuộc địa bàn phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đội cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 14C 313.20 do ông Đoàn Hồng Chiến là chủ hàng điều khiển.
Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1.290 sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Làm việc với lực lượng chức năng, chủ xe đồng thời là chủ hàng không xuất trình được bất bỳ giấy tờ, hóa đơn liên quan tới các mặt hàng trên. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ tang vật để xác minh và xử lý theo quy định.
Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử được xem là điển hình của thuốc lá thế hệ mới. Thuốc lá làm nóng chứa nguyên liệu thuốc lá đặc chế đi kèm cùng thiết bị của nhà sản xuất.
Thuốc lá điện tử (e-cigarette hoặc vape) là thiết bị điện tử làm bay hơi dung dịch chứa hoặc không chứa nicotin.
Các chuyên gia cho rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vốn được sử dụng cho người trưởng thành đang hút thuốc lá muốn chuyển đổi để giảm thiểu tác hại từ các sản phẩm thuốc lá truyền thống, nhưng lại đang bị quảng cáo sai lệch như một sản phẩm sành điệu cho giới trẻ.
Điều này làm ảnh hưởng, lệch lạc nhận thức và hành vi của người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh sinh viên khi tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử nhập lậu ngày càng tăng.
Thuốc lá điện tử thu hút giới trẻ
Theo thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2019, kết quả Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%).
Nói về các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới, ThS. Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế và để duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận - khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo bà Đoàn Thu Huyền, Trưởng Đại diện Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc tại Việt Nam hệ thống cung cấp nicotin điện tử (ENDS) - bao gồm các loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (HTPs) là những sản phẩm gây nghiện cao, gây hại và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều là những loại sản phẩm thế hệ mới chứa nicotine hiện chưa được phép bán tại Việt Nam và đang trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
Do đó, để phòng ngừa tác hại của loại thuốc lá thế hệ mới này đối với giới trẻ, Trưởng Đại diện Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc tại Việt Nam đề xuất cần thiết có quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
"Hiện tại, chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua internet. Do đó sẽ rất khả thi khi ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Việc cho phép thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng lưu hành trong thị trường là không phù hợp với các nguyên tắc phòng chống tác hại thuốc lá đã được quy định trong luật phòng chống tác hại thuốc lá và mục tiêu của Chiến lược Phòng chống tác hại của thuốc lá"- bà Huyền khẳng định.
N Huyền