Thúc đẩy phát triển “kỳ lân” công nghệ số Việt Nam
“Kỳ lân” là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 để mô tả công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2021, số lượng startup “kỳ lân công nghệ” trên thế giới có khoảng hơn 750 công ty. Khu vực Đông Nam Á có khoảng 40 kỳ lân công nghệ trong đó có Gojek, Grab, Lazada, Razer, Traveloka…. Còn tại Việt Nam, cũng đã có một số kỳ lân công nghệ như VNG, Sky Marvis, MoMo và VnPay.
Theo Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ TT&TT, hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ 4.0 như AI, IoT, Blockchain,…các nước lớn trong khu vực và trên thế giới đều có các chiến lược và chính sách để phát triển kỳ lân công nghệ, coi đây là động lực cho tăng trưởng của kinh tế số. Theo kinh nghiệm các nước, để hình thành các doanh nghiệp kỳ lân rất cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển và có đầu tư có trọng điểm, chọn lọc các doanh nghiệp tiềm năng để hỗ trợ phát triển.
Nhận thức được tầm quan trọng xu hướng này, tháng 10/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch xây dựng “Đề án đánh giá, ươm tạo phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam”. Việc phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam cũng nằm triển khai Chỉ thị 01 ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Trong đó, tập trung vào phát triển doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh Make in Vietnam, đủ sức cạnh tranh các nước trong khu vực, khai thác thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường,... và vươn ra thế giới.
Trên cơ sở nhận thức rõ 1 trong những giải pháp then chốt góp phần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số và kỳ lân công nghệ số là huy động vốn và phát triển thị trường, sản phẩm cho doanh nghiệp công nghệ số, ngày 21/12 vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo “Phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam” để cùng các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp công nghệ số về hai nội dung này.
Trao đổi tại hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ số.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua năm 2017 đã đưa ra 8 nhóm chính sách hỗ trợ chung và 3 nhóm chính sách trọng tâm cho các nhóm doanh nghiệp cụ thể. Các chính sách hỗ trợ chung rất đầy đủ, từ hỗ trợ pháp lý, mặt bằng sản xuất, cho đến tiếp cận thị trường, tín dụng thông qua bảo lãnh tín dụng của các địa phương hay Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, thực tế triển khai do vướng quy định tài chính nên sự hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp còn chậm. Đơn cử, về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, với kênh hỗ trợ qua các tổ chức tín dụng, đến nay dư nợ tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ số đạt 2.348.125 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Đối với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2 nhóm đối tượng hỗ trợ chính là startup và các doanh nghiệp tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị, đến nay mới chỉ cho vay được hơn 233 tỷ đồng. Tương tự, đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước có 28 quỹ nhưng tổng số bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đạt gần 200 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 80 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trao quyền cho cơ quan hỗ trợ. “Chúng tôi hy vọng từ năm sau sẽ tháo gỡ được cho Quỹ, là nguồn hỗ trợ cho startup lĩnh vực công nghệ nhiều hơn”, bà Bùi Thu Thủy chia sẻ.
Thông tin về hiện trạng huy động vốn của doanh nghiệp công nghệ số, bà Mai Thị Thanh Bình, chuyên gia nghiên cứu Ban CNTT, Viện Chiến lược TT&TT cho biết, 2 năm trở lại đây, vấn đề huy động vốn của các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục trở thành chủ đề được đưa ra thảo luận nhiều.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2022, tổng số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã là 70.000 doanh nghiệp và mục tiêu đến năm 2030 con số này sẽ là 100.000. Tính bình quân, mỗi năm tối thiểu sẽ phải phát triển được 4.500 doanh nghiệp công nghệ số mới.
Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, riêng quý I/2022 đã có 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TT&TT phải giải thể hoặc phá sản và 2.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Vì thế, số lượng doanh nghiệp công nghệ số cần phát triển mới hàng năm sẽ rất lớn.
“Bài toán đặt ra là làm thế nào để duy trì, gia tăng số lượng cũng như đảm bảo để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực sự hoạt động hiệu quả là vấn đề mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần quan tâm”, bà Bình nêu quan điểm.
Dẫn ra những con số cho thấy đóng góp của ngành kinh tế số ICT trong nửa đầu năm 2022 cao hơn nhiều so với các kinh doanh bất động sản hay xây dựng, đại diện Viện Chiến lược TT&TT đề xuất cần có chính sách để tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số trong việc tiếp cận với nguồn vốn để có thể hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Quỳnh Hương