Thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng thương mại hóa
Trong báo cáo kết quả hoạt động của ngành TT&TT năm 2022, ở lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ TT&TT đã điểm ra một số kết quả nổi bật, trong đó có việc ra mắt một số sản phẩm, cơ sở nghiên cứu trọng điểm trong năm 2022.
Tiêu biểu, đến nay doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong nghiên cứu - phát triển và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị 5G. Hiện các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân sử dụng ở một số khu vực như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM đã được thành lập, kết nối với các công ty chế tạo chip để triển khai dịch vụ MPW hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Cũng trong năm nay, FPT Semiconductor chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế.
Để thúc đẩy phát triển thị trường cho sản phẩm, dịch vụ CNTT, trong năm qua, một chuỗi hoạt động đã được triển khai, đơn cử như: hội thảo, triển lãm về doanh nghiệp và sản phẩm Make in Vietnam năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề “Giải pháp CNTT cho lĩnh vực nông nghiệp”, qua đó giúp kết nối cung, cầu giữa doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp địa phương tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số và các tổ chức, hợp tác xã nông nghiệp; hay hội thảo kết nối cung, cầu công nghiệp - công nghiệp công nghệ số khu vực miền Trung diễn ra tại Quảng Ngãi…
Đáng chú ý, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” đã được tổ chức thành công, với nhiều hoạt động nổi bật: đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, cam kết của Bộ TT&TT tại Diễn đàn Make in Vietnam năm ngoái; định hướng phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam cho năm 2023 và giai đoạn tiếp theo. Bộ TT&TT cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xác định song song 2 mục tiêu, đó là phát triển bền vững hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam, nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; trao đổi và đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Cùng với đó, trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam” năm 2022. Đây là giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giải thưởng có 218 sản phẩm đăng ký tham gia, đã trao giải cho các sản phẩm, giải pháp xuất sắc ở 4 hạng mục.
Quỳnh Hương