Thuận lợi và hạn chế trong phát triển kinh tế biển của Cà Mau
Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có 3 mặt giáp biển, Cà Mau giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, đồng thời rất thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải.
Thuận lợi phát triển kinh tế biển của Đất Mũi
Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km, chiếm 7,8% tổng chiều dài bờ biển của cả nước; phía Đông giáp Biển Đông, có chiều dài 107 km; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan, có chiều dài 147 km. Trên biển có 03 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển; trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải.
Tỉnh có 08 huyện và 01 thành phố, trong đó có 06 huyện ven biển. Vùng ven biển có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có giá trị cao về đa dạng sinh học, điển hình cho hệ sinh thái rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển Việt Nam, là một phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận.
Vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, thuộc vùng biển nông, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao; điều kiện khí tượng thủy văn tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi cho hoạt động thuỷ sản. Toàn tỉnh có đội tàu khai thác thủy sản trên 4.900 chiếc, trong đó có 1.676 tàu khai thác xa bờ; sản lượng khai thác hằng năm bình quân khoảng 200.000 tấn. Ngoài khai thác và nuôi trồng thủy sản, vùng biển và hải đảo Cà Mau còn có tiềm năng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như: Dầu khí, du lịch sinh thái, công nghiệp cơ khí, hàng hải, năng lượng tái tạo,…
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, biên giới biển được nâng lên.
Công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển, hải đảo được triển khai thực hiện, bước đầu đạt kết quả nhất định. Kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển ổn định; khai thác thủy sản xa bờ tăng về số lượng tàu và sản lượng khai thác; nghề nuôi tôm chuyển mạnh sang phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh.
Ảnh minh họa. |
Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện ven biển được quan tâm đầu tư. Nhiều khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão; các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, khu dân cư, khu tái định cư, trường học, trạm y tế được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng; tỷ lệ hộ dân vùng ven biển được sử dụng điện bình quân đạt trên 98%.
Đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng ven biển được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; chủ quyền biên giới biển, đảo được bảo vệ vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển.
Tốc độ phát triển chưa xứng tiềm năng
Tuy Cà Mau đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng nhìn chung kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. 7 hạn chế gặp phải như:
Thứ nhất, tỷ trọng đóng góp về giá trị của các huyện ven biển trong GRDP của tỉnh còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật tuy được quan tâm đầu tư nhưng nguồn lực còn hạn chế dẫn đến thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và hải đảo.
Thứ hai, hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo ngày càng suy giảm, ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng tăng. Sạt lở cửa sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
Thứ ba, cơ cấu ngành nghề khai thác thủy sản còn thiếu hợp lý, phương tiện khai thác thủy sản ven bờ còn nhiều, chưa có giải pháp chuyển đổi phù hợp.
Thứ tư, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển chưa nhiều.
Thứ năm, tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.
Thứ sáu, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch vùng biển, ven biển chưa hấp dẫn du khách. Nguồn tài nguyên ven biển chưa được khai thác hiệu quả.
Thứ bảy, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên biển còn hạn chế; cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, đảo còn thiếu và lạc hậu.
Trước những thuận lợi và hạn chế trên, Cà Mau đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế biển có nhiều tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển bền vững.
Kim Chi