Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Thụy Điển và Na Uy, thúc đẩy EVFTA
Theo ScandAsia, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp tăng cường thêm mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và các nước châu Âu cũng như đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân tới sân bay quốc tếStockholm Arlanda của Thụy Điển. (Ảnh VNA) |
Theo cam kết trong EVFTA, EVFTA sẽ loại bỏ hầu hết các dòng thuế giữa EU và Việt Nam. Dự kiến, thuế quan đối với 65% giá trị hàng hóa xuất từ EU sẽ được loại bỏ và phần còn lại sẽ được loại trong vòng 10 năm. 71% trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (84% các dòng thuế) vào EU sẽ được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, GDP của Việt Nam tăng thêm 0,5%/năm và xuất khẩu sang EU sẽ tăng 30 - 40% trong 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trên tất cả các ngành, lĩnh vực cũng như cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh.
Trước khi sang thăm Thụy Điển và Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Nga theo lời mời của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nga bắt đầu từ ngày 20/5 và kết thúc vào ngày 23/5.
Sau khi rời khỏi Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thực hiện chuyến thăm tới thành phố Oslo của Na Uy từ ngày 24 – 26/5 theo lời mời của Thủ tướng Erna Solberg.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Chuyến thăm tới Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được tiến hành theo lời mời của Thủ tướng Stefan Löfven. Chuyến thăm này diễn ra từ ngày 26 – 28/5.
Mối quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Na Uy được thiết lập từ năm 1971. Trong những năm gần đây, hai nước đã xây dựng được những mối quan hệ hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực liên quan tới kinh tế, thương mại, an ninh và quốc phòng, giáo dục, du lịch và văn hóa.
Giống như Na Uy, Thụy Điển được Việt Nam đánh giá là quốc gia ủng hộ, tài trợ và đối tác quan trọng nhất. Kể từ năm 1969, Thụy Điển đã đóng góp 46 tỷ USD cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Năm 1969 còn là dấu mốc cho sự kiện Thụy Điển trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trước chuyến thăm tới Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và phu quân đã thăm chính thức Việt Nam ngày 6 - 8/5 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Đây là một phần trong chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Trong cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Công chúa Victoria đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Thụy Điển coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, nước có vị thế quan trọng trong ASEAN. Công chúa Victoria cho biết đây là lần đầu tiên tới Việt Nam với sự tháp tùng của hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển trong nhiều lĩnh vực.
Hai bên thống nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Thương mại hai chiều hiện đạt hơn một tỷ USD mỗi năm. Một số tập đoàn lớn của Thụy Điển đều đang có mặt ở Việt Nam. Trong suốt 46 năm, Thụy Điển đã viện trợ hơn 4 tỷ USD cho Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 50 năm của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Điển, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung đánh giá, đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng của mối quan hệ “chứa đựng nhiều kỷ niệm tốt đẹp đáng nhớ” giữa hai nước, mở ra tương lai hợp tác thực chất, hiệu quả.
Trong khi đó, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg nhận định hiện có 4 lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Thứ nhất là chế tạo, chế xuất các sản phẩm và các hàng hóa có hàm lượng kỹ thuật cao thông qua ABB, Tetra Park và Electrolux. Thứ hai, đầu tư vào các lĩnh vực và tập đoàn bán lẻ vì các sản phẩm Thụy Điển có chất lượng cao, giá cả có thể cao hơn nhưng hợp lý hơn các sản phẩm cùng loại. Thứ ba, các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn đầu tư vào các quỹ đầu tư và mô hình trường học nơi mà họ có thể chia sẻ được phương thức quản lý và giá trị của Thụy Điển như là đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Cuối cùng, đầu tư vào du lịch.