Thu ngân sách của Vĩnh Phúc lập kỷ lục đạt gần mốc 40 ngàn tỷ đồng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 12 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/12, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, các chỉ số kinh tế có nhiều khởi sắc 17/17 chỉ tiêu đều đạt và vượt nghị quyết HĐND tỉnh.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54% là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Trong năm 2022, Vĩnh Phúc đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Chỉ trong 2 năm đã giải phóng trên 2.000 ha đất – đây là điểm nghẽn hàng chục năm không tháo gỡ được- đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án.
Cùng với đó, người dân trên địa bàn tỉnh đều được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo đó, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm về dưới 1%, đây là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền địa phương.
Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022 theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hộ nghèo đa chiều là 3.405 hộ chiếm tỷ lệ 0,99%; hộ cận nghèo đa chiều là 5.881 hộ chiếm tỷ lệ 1,70%. Theo ông Vũ Việt Văn đây là cơ sở để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, điểm sáng của kinh tế của Vĩnh Phúc trong năm 2022 là lần đầu tiên thu ngân sách của tỉnh lập kỷ lục, đến 27/12 đạt 39,1 ngàn tỷ đồng, nỗ lực đạt mốc 40 ngàn tỷ đồng, đạt mục tiêu của nhiệm kỳ. Cơ cấu thu chủ yếu từ sản xuất đạt trên 80%, chi ngân sách đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra ở mức cao, sau 2 năm đạt 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ từ 2-2,5 tỷ USD.
Vĩnh Phúc nằm trong Top các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước. GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc. Cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu (Chỉ số PCI xếp thứ 5, chỉ số Par Index xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12 toàn quốc, là 1 trong 3 địa phương được VCCI tặng giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo 2022.
Để đạt được kết quả trên là sự chủ động trong phương thức lãnh đạo của Đảng, Cấp uỷ, chính quyền ngày càng sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân và hướng tới nhân dân. Trong năm 2022, đã ban hành 44 cơ chế, chính sách. Trong đó, chủ yếu là các cơ chế chính sách thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho nhân dân; các chính sách rất sát, đúng, và hướng tới người dân thể hiện qua các Nghị quyết về giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội…
Trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra chỉ tiêu về tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP-giá so sánh 2010 tăng 8,0 ‑ 9,5%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng. Thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động, trong đó: đưa 1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Để đạt được kết quả này, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực. Tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong đó tập trung hoàn thiện các chính sách: Nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động… Đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành tổ chức, thực hiện Đề án Điểm nghẽn đã được ban hành. Kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn (đặc biệt các điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công...), xử lý các tồn tại vướng mắc trong từng lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là đối với công trình, dự án trọng điểm, các khu công nghiệp, các dự án liên vùng, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị. Tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực đầu tư công, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; tập trung cao độ triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực về cảnh quan đô thị, cảnh quan nông thôn của tỉnh, Phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao trong năm 2023.
Lưu Trân