Chàng trai nghèo trở thành ông chủ xưởng chế tác đá
Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân thuộc làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là một làng nghề truyền thống với công việc tạo ra các tác phẩm điều khắc độc đáo từ đá.
Trải qua bao thế hệ, Ninh Vân nổi tiếng với những sản phẩm chế tác từ đá, nếu nhìn ở góc độ văn hóa, chính là sự hóa thân của thiên nhiên trong môi trường sinh hoạt văn hóa của con người. Các tác phẩm ấy hiện hữu trong những công trình kiến trúc đền, chùa, nhà thờ ở khắp nơi.
Từ những tảng đá thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người thợ chế tác đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Hiện nay góp phần lưu giữ nghề chế tác đá tại Ninh Vân có sự góp mặt của cả những nghệ nhân thế hệ 8X như anh Nguyễn Hữu Giang (36 tuổi).
Anh Giang có hoàn cảnh khá đặc biệt khi sinh ra không có bố và khi anh 16 tuổi thì mẹ mất. Khi ấy anh trở thành trẻ mồ côi, anh em họ hàng ít nên anh chẳng biết dựa vào ai, buộc phải sớm đi làm thuê kiếm sống.
"Thời điểm đó có lẽ là khó khăn nhất cuộc đời tôi, tủi thân vì là đứa trẻ không cha cũng chẳng có mẹ nên tôi biết từ nay con đường tôi đi phải dựa vào chính ý chí và nghị lực của bản thân.
Nếu ai hỏi tôi khi đó có thích đi học không thì tất nhiên là có chứ, vì ước mơ của cả mẹ và tôi là được học, có việc làm và thu nhập ổn định. Thế nhưng vì hoàn cảnh tôi phải bỏ học, đi làm thuê để cố học kiếm nghề mưu sinh”, anh Giang nhớ lại quãng thời gian niên thiếu.
Biết anh Giang xin vào làm thuê cũng là để học nghề, lại biết hoàn cảnh khó khăn của anh nên ông chủ đã đồng ý nhận anh vào học, đồng thời truyền cho đam mê với nghề điêu khắc đá.
Từ khi vào làm, anh Giang đã nổi bật với năng khiếu hơn người. Anh rất nhanh trở thành người thợ giỏi. Tới khi lành nghề, anh còn giúp ông chủ quán xuyến cả xưởng, dạy việc cho những thợ mới vào.
"Quan trọng nhất là tôi được tham gia làm việc cho nhiều công trình cổ kính, công trình có giá trị văn hóa. Qua đó tôi tìm hiểu các đường nét tinh vi của các cụ xưa đã làm, dần dần tôi tự mày mò và có kiến thức cho mình", anh Giang chia sẻ bí quyết và cho hay, với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, dù máy móc hiện đại thì nhiều chi tiết vẫn không thể thay thế được bàn tay con người.
Trải qua nhiều năm học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, anh Giang tìm cách vay mượn vốn đủ mọi nguồn rồi tự mở xưởng riêng tại gia đình.
Tính đến giờ, khó có thể tính hết đã có bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đá được “bàn tay vàng” của anh Giang làm ra. Để tạo ra một bức tượng đá, anh Giang phải bỏ thời gian dài để lên ý tưởng, phác thảo, chọn khối đá...
Trước khi tạc một bức tượng, anh cũng luôn dành thời gian nghiên cứu kỹ về tác phẩm. Nếu làm về nhân vật nào thì anh sẽ tìm hiểu để hiểu rõ nhân vật mà mình tạc vào đá, việc này sẽ giúp tạo ra được tác phẩm chân thật nhất.
Theo thời gian, nghề điêu khắc đá đã ngấm vào trong máu thịt của anh Giang, trở thành niềm đam mê vô tận. Anh Giang 36 tuổi nhưng đã có tới gần 20 năm tuổi nghề với hàng trăm tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.
Đến nay, xưởng đá mỹ nghệ của ông chủ Giang nhận được rất nhiều đơn hàng từ khắp nơi, luôn làm không hết việc và đem lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình anh Giang và gần chục công nhân.
Có thể nói, chính những khó khăn, vất vả của cuộc sống đã tôi luyện nên một tinh thần mạnh mẽ ở anh Giang. Anh luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách để từng bước làm nên thành công cho mình.
Anh tâm sự rằng đã là con người sống trong cuộc đời này ai lại không ấp ủ trong mình những ước mơ. Có được những thành quả như ngày hôm nay, anh phải đổ mồ hôi, nước mắt và cộng thêm một chút may mắn. Chính vì thế anh khuyên những bạn trẻ nếu có đam mê thì hãy cứ cố gắng, hãy làm hết mình, làm một cách nghiêm túc, nhiệt tình, thẳng thắn và có trách nhiệm với công việc thì chắc chắn sẽ có trái ngọt.
Hoàng Thanh