Tập trung nguồn lực đầu tư, diện mạo nông thôn, miền núi Lào Cai đổi thay từng ngày
Trong 5 năm qua, nguồn lực để đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh Lào Cai đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lồng ghép nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc
Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, trong quá trình thực hiện, điểm nhấn của tỉnh Lào Cai là đã lồng ghép nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã dành khoảng 70% nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 65/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ năm 2014-2021, tỉnh Lào Cai bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS là 11.304.812 triệu đồng.
Nhờ đó, 100% số xã và 98% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm cơ bản đã được cứng hóa; 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% số thôn có điện lưới quốc gia với 96,7% số hộ được sử dụng điện; hơn 95% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Từ đồng bộ chính sách, sáng tạo trong triển khai thực hiện, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS ở tỉnh giảm nhanh với mức bình quân đạt 5,17%/năm, đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%, tương ứng 14.322 hộ; hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã giảm bình quân 5%/năm. Năm 2021, số hộ nghèo DTTS là 41.195 hộ/102.919 hộ DTTS, tỷ lệ nghèo DTTS là 40,03%. Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Triển khai thực hiện chỉ thị, nhằm phát huy nội lực, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên của vùng đồng bào DTTS, từ 2014 - 2021, các ngành và cấp ủy các cấp vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh đã chủ động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo ra nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Tiêu biểu như phong trào thi "Chung tay xây dựng nông thôn mới”; "Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”… được triển khai và được đồng bào các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tích cực.
Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, trong lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị kinh tế cao, như: Cánh đồng một giống lúa tại huyện Văn Bàn, lúa Séng cù chất lượng cao tại huyện Mường Khương, Bát Xát; vùng ngô hàng hóa ở Si Ma Cai, Bắc Hà; vùng chè hữu cơ ở Bắc Hà, vùng dược liệu ở Bắc Hà, Sa Pa…
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi nhất là nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng trang trại, gia trại, sản xuất hàng hóa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất, đến nay giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác năm 2020 đạt 80 triệu đồng.
Công tác đào tại nghề, học nghề, tạo việc làm, chương trình xuất khẩu lao động trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2012 lên 65% năm 2020, giải quyết việc làm cho 41.560 lao động là đồng người DTTS; 265 trường hợp là người DTTS đi lao động tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và các nước Trung đông.
Thúc đẩy phòng trào khởi nghiệp
Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội thảo thúc đẩy khởi nghiệp khởi sự kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, bàn đưa ra các giải pháp phù hợp, trang bị những kiến thức, nội dung, thông tin cần thiết về thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó phát huy hiệu quả thực hiện chính sách tại địa phương. Qua đó, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, quy mô các mô hình khởi nghiệp còn nhỏ, chưa tận dụng được các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn mới đạt hiệu quả,
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện nội dung “Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”: Lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá chương trình; đánh giá những thuận lợi, khó khăn tại địa phương, đề xuất các giải pháp trong triển khai thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. |
Đức Tâm