Khó khăn chồng chất sau thời gian dài Triều Tiên phong tỏa biên giới
Triều Tiên gặp vô vàn khó khăn khi nối lại hoạt động thương mại quốc tế sau thời gian dài phong tỏa biên giới để phòng dịch.
Triều Tiên đang dần dần nối lại hoạt động thương mại với Trung Quốc, sau khi lĩnh vực kinh tế của hai nước bị gián đoạn vào năm 2020 và 2021 do chính quyền Bình Nhưỡng cho phong tỏa toàn bộ các đường biên giới để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Korea Times dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay thương mại giữa Trung – Triều đạt 318 triệu USD vào năm 2021, giảm 41% so với năm 2020 và giảm 90% so với trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện.
Triều Tiên gặp vô vàn thách thức khi nối lại hoạt động thương mại sau giai đoạn đóng cửa biên giới phòng dịch. (Ảnh: Yonhap) |
Giá trị thương mại song phương Trung – Triều trong năm 2021 cũng ở mức thấp nhất kể từ thời điểm ông Kim Jong-un lên làm lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 12/2011.
Sau 2 năm chủ yếu phụ thuộc vào vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, hoạt động đường sắt giữa Trung – Triều đã được nối lại vào tháng Một năm nay với giá trị thương mại xuyên biên giới hai nước vào tháng Hai đạt 60,9 triệu USD.
“Giá trị thương mại vẫn thấp hơn 80% so với trước khi Triều Tiên quyết định đóng cửa các đường biên giới vào năm 2020”, ông Soo Kim, cựu chuyên gia phân tích tình hình Triều Tiên tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và đang làm việc tại viện RAND Corporation tại Mỹ nhận định.
Bất chấp những khó khăn kinh tế do tác động của các biện pháp chống dịch, Triều Tiên được cho đã kiểm soát được tình hình trong nước nhờ tăng năng suất nông nghiệp trong năm 2021.
Trên thực tế, nền kinh tế Triều Tiên vẫn đang chịu tác động lớn từ sự gián đoạn thương mại do công tác phòng dịch Covid-19, cùng các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Nông nghiệp chiếm khoảng 1/4 kinh tế Triều Tiên, nhưng lại dễ bị tổn thương trước yếu tố thời tiết. Ngay cả khi năng suất nông nghiệp trong năm 2021 được đánh giá đã gia tăng, nhưng Triều Tiên vẫn phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu các mặt hàng quan trọng phục vụ ngành nông nghiệp như thiết bị và phân bón. Do đó, những quy định hạn chế thương mại sẽ tiếp tục là mối đe dọa tới tốc độ hồi phục và tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên.
Sự kết hợp giữa tác động từ các lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên, cùng hoạt động kiểm soát biên giới để phòng dịch cũng đang làm ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động nhập khẩu máy móc, linh kiện công nghiệp và nguyên liệu thô. Điều này sẽ tạo ra tác động lâu dài đối với dây chuyền sản xuất trong ngành công nghiệp hạng năng và hạng nhẹ của Triều Tiên.
Cũng theo báo cáo, những yếu tố này xảy đến đúng lúc Triều Tiên đang rất cần các khoản đầu tư mới vào máy móc, bởi hàng loạt thiết bị hiện thời đã lỗi thời và cần được sửa chữa.
"Dựa trên các dữ liệu thương mại có thể thấy Triều Tiên hiện tập trung vào bình thường hóa dây chuyền sản xuất nông nghiệp và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bởi hoạt động sản xuất công nghiệp đang yếu kém”, báo cáo của Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) về thương mại Trung – Triều năm 2021 nhấn mạnh.
Dù hoạt động thương mại xuyên biên giới Trung – Triều đã được nối lại, song theo các nhà phân tích, quá trình phát triển sẽ cần xem xét theo thời gian.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Triều Tiên là ông William Brown cho rằng để nền kinh tế trở nên ổn định, Triều Tiên cần phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu, nhưng Bình Nhưỡng lại gặp khó vì đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Cũng theo KIEP, dưới tác động của lệnh trừng phạt, nền kinh tế Triều Tiên gần đây chỉ xuất khẩu các mặt hàng như linh kiện đồng hồ và tóc giả.
Theo nghiên cứu của Viện Phát triển Hàn Quốc, chính sách thị trường của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là không nhất quán, nhưng ông Kim có tư tưởng dễ dãi hơn so với cố lãnh đạo Kim Jong-il. Do đó, nền kinh tế Triều Tiên được hưởng lợi từ hoạt động thị trường gia tăng của người dân. Nói cách khác, trong 10 năm qua, chính phủ Triều Tiên đã “nhắm mắt cho qua” để người dân kiếm thu nhập từ nghề thứ hai bên cạnh công việc chính thức với chính phủ.
“Điều đáng nói là phần lớn công việc mang lại thu nhập cao ở Triều Tiên là liên quan tới hoạt động thị trường. Trên thực tế, chỉ 2% người được hỏi cho biết phần lớn số tiền mà họ kiếm được là từ công việc chính thức”, báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tái tăng cường khả năng kiểm soát kinh tế của chính phủ giữa lúc đất nước hứng chịu tác động ngày càng lớn từ lệnh trừng phạt và nỗ lực kiểm soát dịch. Như trong tuyên bố hồi tháng Hai, ông Kim đã nhấn mạnh tới việc thúc đẩy tư tưởng “tự lập” để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Gần đây, Triều Tiên cũng cho hay đang đối thoại với phía Nga để nối lại hoạt động thương mại. Song theo các nhà phân tích, khả năng cao hoạt động thương mại Nga – Triều Tiên chưa thể được tiến hành, do Moscow còn đang tập trung vào chiến sự ở Ukraine. Và nếu thương mại hai nước có được nối lại, lợi nhuận kinh tế mang lại cho Triều Tiên cũng không lớn. Bởi thực tế, Nga chỉ chiếm 2% hoạt động thương mại của Triều Tiên.
“Lời tuyên bố về các cuộc đối thoại kinh tế với Nga chỉ giống như một thông điệp về các mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, và bắn tín hiệu về hoạt động hợp tác quốc tế”, KIEP nhận định.
KIEP cho biết thêm Triều Tiên có thể còn có những nỗ lực nối lại quan hệ hợp tác với một số nền kinh tế ở châu Âu và Đông Nam Á trong năm nay.
Nhưng dịch Covid-19 dường như sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với nền kinh tế vốn mong manh của Triều Tiên trong năm nay, do người dân Triều Tiên chưa được tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Cho tới nay, Triều Tiên vẫn là quốc gia duy nhất ở châu Á chưa thực hiện chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân, dù cộng đồng quốc tế đã đề xuất hỗ trợ nguồn cung vắc xin.
“Vẫn có nguy cơ virus corona thâm nhập vào Triều Tiên như đợt dịch Covid-19 bùng phát ở tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc trong những tuần gần đây và Triều Tiên nằm ngay sát. Không giống như Trung Quốc, người dân Triều Tiên chưa được tiêm phòng. Do đó vẫn có nguy cơ xuất hiện một cú sốc lớn với Triều Tiên”, ông Brown kết luận.
Chiến sự ở Ukraine khiến Mỹ sao nhãng, Triều Tiên nhân cơ hội thử bom hạt nhân?
Nhân cơ hội Nga - Mỹ đang bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine, Triều Tiên có thể thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên sau hơn 4 năm mà không lo bị trừng phạt.
Minh Thu (lược dịch)