EU hướng tới đối thoại cả với Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus
Tờ Die Welt của Đức đưa tin, gần đây các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về cuộc xung đột ở Địa Trung Hải và tình hình ở Belarus.
EU ‘nắn gân’ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ do các hoạt động thăm dò tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Theo đó, trong cả hai trường hợp, người đứng đầu các bộ ngoại giao châu Âu không loại trừ khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Belarus. Tuy nhiên, theo quan điểm của EU, trước hết họ muốn hướng tới đối thoại và đạt được một thỏa hiệp.
“Cuộc họp cuối cùng của các ngoại trưởng EU tại Bonn (Đức) diễn ra trong bối cảnh tình hình ở Địa Trung Hải, cũng như các cuộc biểu tình ở Belarus ngày càng trầm trọng hơn”, Die Welt viết.
Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Cyprus Nikos Christodoulides cho biết: “Các giá trị của EU đang bị đe dọa ở Đông Địa Trung Hải. Chúng tôi phải lên tiếng vì EU và vì sự đoàn kết của châu Âu”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lưu ý rằng tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Địa Trung Hải đều ủng hộ đối thoại, nhưng các cuộc đàm phán sẽ không diễn ra khi các tàu chiến được triển khai trong khu vực để chống lại nhau.
EU không hướng tới các lệnh trừng phạt mà hướng tới đối thoại cả với Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus. (Ảnh: Reuters) |
Theo Die Welt, những nhận định này của ông Maas có thể được hiểu là lời chỉ trích đối với một số nước EU, vì hiện tại các tàu của Hy Lạp, Síp và Italy đang tiến hành các cuộc diễn tập chung ở Địa Trung Hải. Tại cuộc họp, tất cả các bên xung đột đều tái khẳng định cam kết đối thoại, nhưng phía Hy Lạp nhấn mạnh rằng sẽ không dễ dàng đạt được một thỏa hiệp.
Theo ông Jens Bastian - chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Hy Lạp cho chính sách đối với nước ngoài và với châu Âu, điều này còn do Thổ Nhĩ Kỳ rất hay thay đổi lập trường. Ngoài ra, việc đạt được một thỏa hiệp trở nên khó khăn hơn do chính trị hóa cuộc xung đột. Ông Bastian cho biết thêm, khía cạnh kinh tế của các mỏ khí đốt mới ở Đông Địa Trung Hải đã bị đẩy vào “nền tảng” này.
Trong khi đó, các ngoại trưởng EU đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Hy Lạp và Síp, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hành động khiêu khích. Ngoài ra, các nhà ngoại giao yêu cầu Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell phải lập một danh sách các biện pháp trừng phạt có thể có đối với Ankara, sẽ được đưa ra nếu “tình hình trong khu vực không thay đổi”.
Ông Borrell cho biết các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng đối với các cá nhân và công ty liên quan đến công việc thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, ông Borrell cũng nhấn mạnh rằng quyết định thực sự áp đặt các biện pháp trừng phạt hay không còn phụ thuộc vào người đứng đầu các nước EU.
Ngoài ra, theo Die Welt, trước cuộc họp, các ngoại trưởng EU cũng thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với 20 người thuộc nhóm của nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, những người có liên quan đến gian lận bầu cử, đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình và giam giữ các đại diện đối lập. Đồng thời, theo Die Welt, vẫn chưa rõ liệu ông Lukashenko có góp mặt trong danh sách này hay không.
Tuy nhiên, Die Welt lưu ý rằng, đây là một vấn đề rất nhạy cảm vì trong trường hợp của EU cũng như trong tình huống ở Địa Trung Hải, họ có ý định duy trì đối thoại. EU hy vọng Minsk sẽ chấp nhận đề nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) làm trung gian đàm phán giữa chính phủ Belarus và phe đối lập. EU nhận định tình hình ở Belarus khác với tình hình ở Ukraine, vì Belarus không có “biểu hiện” lựa chọn giữa EU và Nga.
“Nga đã tuyên bố vấn đề này là chuyện nội bộ của Belarus và không ai từ bên ngoài nên can thiệp vào. Tôi hy vọng rằng Nga cũng sẽ tuân thủ vấn đề này”, ông Borrell nói.
Đồng thời, tờ báo của Đức nhấn mạnh, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Putin nói rằng Nga có thể can thiệp vào tình hình ở Belarus nếu nước này mất kiểm soát.
Theo ông Nigel Gould-Davies thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh, Nga chắc chắn sẽ can thiệp và hy vọng của EU để giữ ông Putin không can thiệp là “hão huyền”. “EU nên áp đặt các biện pháp trừng phạt phòng ngừa, cũng như hợp tác về vấn đề này với Mỹ”, ông Nigel nói thêm.
Thanh Bình (lược dịch)