EU ‘nắn gân’ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ do các hoạt động thăm dò tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Theo Bloomberg, để đáp ứng yêu cầu của Hy Lạp và Síp, Liên minh châu Âu đã bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ về các hoạt động thăm dò tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải trong trường hợp xung đột không thể giải quyết thông qua ngoại giao. Đồng thời, Brussels đang cố gắng đi theo một ranh giới mong manh, bảo vệ chủ quyền của các thành viên nhưng không chọc giận Ankara.
Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell cho biết, ông sẽ bắt đầu xem xét danh sách các biện pháp trừng phạt có thể có đối với một số cá nhân. Tuy nhiên, ông Borrell không loại trừ khả năng các lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lên các tài sản và tàu khác nhau, cũng như hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận các cảng và nguồn cung cấp của châu Âu. Danh sách cụ thể các biện pháp trừng phạt sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối vào tháng tới, trong trường hợp không có tiến triển ngoại giao nào với Ankara.
“Thổ Nhĩ Kỳ nên hạn chế hành động đơn phương. Hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gây thất vọng”, ông Borrell cho hay.
Tàu của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, EU đang cố gắng cân bằng chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vừa tìm cách bảo vệ chủ quyền của các thành viên Hy Lạp và Síp, vừa giảm bớt căng thẳng với đối tác chiến lược quan trọng thông qua ngoại giao. Cách tiếp cận này phần lớn là do sự khởi đầu của làn sóng di cư mới từ Trung Đông sang EU, phần lớn phụ thuộc vào vị thế của Ankara.
Vào tháng 2, EU đã thực hiện bước đi mang tính biểu tượng đó là đóng băng tài sản của hai nhân viên Tập đoàn Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cấm họ gia nhập Liên minh để đáp trả việc thăm dò tài nguyên năng lượng ngoài khơi đảo Síp.
“Chúng ta phải tìm ra ranh giới giữa việc duy trì không gian để đối thoại thực sự và thể hiện sức mạnh tập thể để bảo vệ lợi ích chung”, ông Borrell nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 27/8, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kéo dài hoạt động thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải thêm 5 ngày. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan tranh cãi về biên giới trên biển và thăm dò dầu khí.
Theo đó, hôm 10/8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tàu khảo sát Oruc Reis cùng các tàu chiến tới vùng biển phía Đông Địa Trung Hải mà Hy Lạp cũng tuyên bố chủ quyền. Hoạt động của các tàu này tại đây đã được gia hạn một lần vào ngày 23/8 và theo dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 27/8.
Phản ứng trước thông tin trên, một nguồn tin ngoại giao Hy Lạp nêu rõ việc Ankara duy trì các tàu chiến tại vùng biển trên là “trái phép và bất hợp pháp”. Những tranh cãi về hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải đã leo thang trong những tuần gần đây. Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này.
Phong tỏa tàu buôn sẽ giúp phương Tây ‘giành lợi thế’ trong cuộc chiến với Nga?
Forbes nhận định, sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn vào đội tàu thương mại và lực lượng hải quân già cỗi khó có thể bảo vệ các tàu buôn là một vấn đề đối với Nga, nhưng lại là cơ hội tốt cho Mỹ và các đồng minh.
Thanh Bình (lược dịch)