Thầy giáo trẻ với dự án biến loại quả rừng thành sản phẩm sánh ngang dâu tây, việt quất
Dự án "Giác Anthocyanin" của thầy giáo trẻ Tôn Phước Nguyên (thị trấn Rạch Giá, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vừa giành ngôi á quân cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, trao giải vào tối 5/12.
Đây là dự án được hội đồng ban giám khảo đánh giá rất cao về tính ứng dụng thực tiễn, dự án cũng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để đưa sản phẩm thương mại ra thị trường.
Chia sẻ với phóng viên lý do khởi nghiệp với dự án “Giác Anthocyanin”, anh Tôn Phước Nguyên cho biết, ở Hậu Giang, người dân sử dụng quả giác như một trong các món ăn hằng ngày lành tính và an toàn.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng các loại quả càng sẫm màu càng chống ôxy hóa cao vì chúng chứa hợp chất Anthocyanin có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Các loại quả chứa nhiều Anthocyanin như nho, dâu tây, việt quất, mâm xôi,... có giá bán tại Việt Nam khá cao. Trong khi đó, quả giác là một đặc sản Nam bộ có màu rất đậm thì lại chưa được khai thác triệt để.
Quả giác hiện tại được người dân một số nơi sử dụng làm rượu giác (quả giác ngâm với rượu, ủ đường rồi pha thêm rượu) nhưng tại địa phương nơi thầy Nguyên sinh sống thì chỉ được dùng để nấu canh chua, kho cá. "Đa phần quả giác chín rụng bỏ đi rất lãng phí”, anh Nguyên nói.
Từ thực tế này, thầy giáo trẻ tốt nghiệp chuyên ngành sinh học đã quyết định tận dụng lợi thế tài nguyên sẵn có và dồi dào tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe con người như: rượu giác (lên men tự nhiên, không pha thêm rượu khác), sirô giác, kẹo dẻo, quả giác sấy khô, nước màu… nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng.
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào thực hiện những mẻ giác ủ đường, lên men đầu tiên. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thành quả không đạt ngay như tưởng tượng.
“Thời gian đầu ủ rượu bằng cách lên men tự nhiên hỏng liên tục, bởi việc này phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ. Nóng quá dễ bị lên mốc mà lạnh quá dù cho ra hương vị rượu ngon nhưng lại lâu ra được thành phẩm.
Thời gian đầu, chúng tôi hỏng liên tục. Mỗi mẫu ít nhất dùng khoảng 10 kg giác với thời gian kéo dài trong 20 ngày. Nhưng có những mẫu phải ủ đi ủ lại 5- 6 lần vì được ít thời gian đã lại nhìn thấy chum rượu lên mốc, buộc phải bỏ”, Nguyên cho hay.
Tốn công, tốn của nhưng không vì thế mà làm nản lòng những người trẻ đầy ắp ước mơ, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Phước Nguyên đã cùng các bạn đưa ra giải pháp kết hợp lên men truyền thống và công nghệ IoT tự động điều chỉnh các thông số môi trường tối ưu nhất nhằm tạo hiệu suất cao nhất cho quá trình lên men. Từ đó, những mẻ giác đã không còn bị đổ đi, thay vào đó là quá trình lên men tự nhiên tạo hương vị đặc trưng, đồng đều ở các sản phẩm.
Đặc biệt, những sản phẩm từ trái giác sấy khô cũng được sấy theo công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ thấp nhằm đảm bảo chất lượng và màu sắc tự nhiên.
Anh Phước Nguyên hào hứng khoe với phóng viên, hiện nay các sản phẩm do anh cùng các cộng sự nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Ocop. Lường trước những khó khăn đang đợi chờ ở phía trước trong quá trình khởi nghiệp nhưng anh tin với một sản phẩm độc đáo, mang tính chất đặc trưng của quê hương Hậu Giang sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.
Thực tế thì những sản phẩm đầu tiên đều được anh Nguyên mang đi kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng và mời khách hàng dùng thử. May mắn là người tiêu dùng tỏ ra thích thú với các sản phẩm từ rượu cho đến sirô giác, kẹo dẻo, quả giác sấy khô.
Với kết quả tại cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp sáng tạo năm 2022, anh Nguyên cho biết sẽ hoàn thiện dự án hơn, tìm kiếm thêm sự hỗ trợ về nguồn vốn để đăng kí sản phẩm Ocop và thương mại hóa sản phẩm.
N. Huyền