Thay đổi nhận thức cho người dân về già hoá dân số
Áp lực vì cha mẹ già
Chị Lê Thái Uyên (43 tuổi trú tại Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, hiện tại hai vợ chồng chị đều là con một và bản thân chị và chồng đang áp lực trong việc chăm sóc cha mẹ hai bên. Ba mẹ chị Uyên sống ở quê, không có lương hưu nên hàng tháng vợ chồng chị đều phải hỗ trợ.
Còn ba mẹ chồng ở thành phố có lương hưu nhưng vẫn không đủ chi phí thuốc men và khám chữa bệnh. Đôi lúc chị Uyên cảm thấy vô cùng mệt mỏi nhưng nếu không lo cho cha mẹ già chị sẽ thấy mình bất hiếu.
Nhiều lần, mẹ chồng đi viện chị phải nghỉ việc để chăm sóc. Thời gian chăm sóc có khi kéo dài cả tuần, thuê người thì bà không chịu. Chăm sóc cha mẹ hai bên khiến chị sẽ giảm bớt thời gian tập trung phát triển sự nghiệp và cống hiến cho xã hội. Bản thân chị cũng lo lắng cho tuổi già của mình khi đến hiện tại vợ chồng chị chưa tích luỹ được gì mà chỉ đủ chăm sóc đại gia đình của mình.
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Y- Xã hội học Việt Nam, khi được hỏi thì chỉ có 28% người Việt cho biết họ có kế hoạch chuẩn bị cho tuổi già còn lại thì đều “lắc đầu”chưa biết tuổi già sẽ ra sao. Có những người cho rằng tuổi già là tương lai, họ chưa nghĩ tới khi già mình sẽ như thế nào. Những người có tài chính cũng lên kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập khi về già. Nhiều người trong độ tuổi từ 30-44 cảm thấy thiếu tự tin nhất khi chuẩn bị tài chính cho cuộc sống tuổi già của họ.
Cần thay đổi nhận thức về già hoá dân số
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội người Cao tuổi Việt Nam cho biết ứng phó với vấn đề già hoá dân số là bài toàn cho toàn thế giới. Theo nghiên cứu về toàn cầu đến năm 2050 của Học viên Y khoa Hoa Kỳ và các nhà khoa học trên thế giới, đến năm 2050 cả loài người đối diện với già hoá dân số.
Ông Hùng nhận định từ xa xưa, hai vấn đề của con người là già hoá và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã được rất nhiều tổ chức quan tâm thực hiện nhưng già hoá chưa nói nhiều chưa thay đổi nhận thức nhiều. Vì vậy, đứng trước tình trạng già hoá dân số trong nay mai, ông Hùng nhấn mạnh chúng ta cần nhanh chóng thay đổi nhận thức của người dân.
Hiện chưa có chính phủ ứng phó thành công với vấn đề già hoá, kể cả Nhật Bản hay Singapore. Việt Nam còn khó khăn rất nhiều. Vì vậy, ông Hùng cho biết nếu chúng ta không có các giải pháp cụ thể ứng phó già hoá dân số theo cách của riêng thì chúng ta sẽ đối diện với tình trạng chưa giàu đã già.
Nhiều người coi vấn đề già hoá dân số là vấn đề nhỏ, không ảnh hưởng tới mình nhưng thực tế già hoá không chỉ là vấn đề của người già, của gia đình họ, con cháu họ mà nó tác động tới tất cả xã hội từ kinh tế, môi trường, lao động. Chúng ta không thể bỏ cha mẹ ốm để đi làm được. Nên cần có sự vào cuộc của tất cả các tổ chức xã hội.
Theo ông Hùng, việc thay đổi nhận thức của người dân về tương lai dân số già vô cùng quan trọng. Chúng ta cần nâng cao tuyên truyền cho người dân để họ có những dự phòng cho tuổi già. Người trẻ cần chuẩn bị cho tuổi già của mình thay vì suy nghĩ trẻ cậy cha, già cậy con. Đẩy mạnh tuyên truyền người trẻ tự đảm bảo an toàn tuổi già cho mình bằng cách giảm bớt tiêu dùng và khuyến khích tiết kiệm ngay khi còn đang tham gia lực lượng lao động. Người trẻ cần chủ động tham gia bảo hiểm để nhận lương hưu để phục vụ đời sống của mình khi về già.
"Ngoài ra, chúng ta cần có các thay đổi về chính sách, thông tư, nghị quyết. Từng gia đình cần có nhận thức về già hoá dân số, an sinh xã hội, nhận thức về y tế thậm chí chuẩn bị cho tuổi già dù chúng ta chưa già. Việt Nam “sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, ốm đau, bệnh tật” nếu chúng ta không có các hành động ngay từ bây giờ", ông Hùng khuyến cáo.
Khánh Chi