Thắp sáng niềm tin cho phụ nữ yếu thế qua mô hình tái hòa nhập quốc gia của IOM
![]() |
Những phụ nữ được giải cứu sau khi bị bán sang Trung Quốc (ảnh minh họa) |
Buôn bán người là hoạt động bất hợp pháp sinh lời nhất trên thế giới
Theo báo cáo của UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam) thì năm 2012 khoảng 21 triệu người trên thế giới bị cưỡng ép lao động, bị buôn bán trái phép vì mục đích lao động và bóc lột tình dục hoặc bị giam giữ trong những điều kiện như nô lệ - 14 triệu người bị bóc lột lao động và 4,5 triệu người bị bóc lột tình dục.
UNDP cũng nhận định, phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ lớn hơn so với nam giới và trẻ em trai. Lao động cưỡng ép được cho là tạo ra 150 tỷ đô la Mỹ lợi nhuận phi pháp mỗi năm. Sau buôn lậu vũ khí và ma túy thì buôn bán người đang là hoạt động kinh doanh bất hợp pháp sinh lời nhất trên thế giới.
“Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010 đã phát hiện nạn nhân bị buôn bán thuộc 136 quốc tịch khác nhau tại 118 quốc gia, 50-60% trong số đó là phụ nữ. Gần đây, nạn buôn bán người nhập cư đang gia tăng. Mạng lưới những kẻ buôn người thu tiền của những người nhập cư tuyệt vọng cố gắng vượt biển và xâm nhập bất hợp pháp vào các quốc gia khác.
Năm 2014 khoảng 3.500 người, có thể còn nhiều hơn, đã mất mạng trên biển Địa Trung Hải khi những con thuyền buôn lậu người trên đường tiến vào châu Âu, chủ yếu là từ Libya, bị lật hoặc đắm trên biển”- báo cáo của UNDP viết.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ mua bán người, bắt hơn 3.300 đối tượng; tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tính trung bình, mỗi năm cả nước có khoảng 500 vụ mua bán người với trên 1.000 nạn nhân.
Còn thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 174 vụ mua bán người với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân.
Trong đó, tại tuyến biên giới phía Bắc hiện nay tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ do đây là tuyến đường biên dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối tắt, địa hình hiểm trở, gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát người qua lại biên giới. Trong số các nạn nhân của tội phạm mua bán người, chiếm tới hơn 70% số nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị đưa sang Trung Quốc qua khu vực biên giới các tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Trong đó chỉ riêng trên địa bàn Lào Cai trong 5 năm vừa qua, Công an Lào Cai đã điều tra khám phá tới 148 vụ mua bán người, trong đó có 92 ổ nhóm với 241 đối tượng tham gia, đồng thời giải cứu và tiếp nhận 202 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc.
Mô hình tái hòa nhập quốc gia
Xây dựng mô hình tái hoà nhập quốc gia" là chương trình giúp đỡ phụ nữ bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng, được triển khai tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Lạng Giang do Tổ chức Di cư quốc tế IOM tài trợ. Số tiền cho mô hình này được IOM tài trợ lên tới gần 1,5 tỷ đồng.
Từng là nạn nhân bị buôn bán, đánh đập tàn nhẫn nhưng nhiều phụ nữ vẫn tìm cách trở về quê hương. Bằng ý chí, nghị lực và giúp đỡ của chính quyền, ngành chức năng, họ đã vượt qua những cay đắng, nghiệt ngã để làm lại cuộc đời.
Chị Nguyễn Thị Đ. (SN 1963,huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Do một lần, gặp người lạ rủ sang biên giới gánh thuê sẽ nhận được tiền thù lao cao nên chị không mảy may nghi ngờ mình bị lừa bán cho người đàn ông bản địa. Những tháng ngày sống cùng "chồng hờ” thật tủi nhục, đắng cay. Bởi thế, chị Điền tìm mọi cách trở về quê hương.
Ngày về, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Đ. vấp phải muôn vàn khó khăn khi gia đình chồng không chấp nhận, làng xóm dị nghị, nhưng may mắn chồng chị vẫn tin tưởng, đón nhận chị. Được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, chị được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Ngoài làm ruộng, chị mở thêm quán bán hàng tạp hóa, mở rộng chăn nuôi. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, chị có điều kiện giúp những phụ nữ bất hạnh cùng cảnh ngộ.
Tại địa phương nơi chị Đ. Sinh sống có hơn 10 cùng cảnh ngộ với chị, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam, những người phụ nữ không may mắn này đã cùng nhau tự nguyện tham gia CLB "Phụ nữ tự lực bình minh xanh”. Họ gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ có mô hình "Phụ nữ tự lực bình minh xanh” mà nhiều chị em được vay vốn hỗ trợ sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, các chị được vay 8 triệu đồng từ dự án hỗ trợ tái hòa nhập quốc gia thông qua Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh. Từ nguồn vốn nghĩa tình, các chị tìm nghề phụ, mở rộng sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt định kỳ một lần để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vun đắp tổ ấm gia đình, nuôi dạy con cái và những kỹ năng đối mặt với thách thức cuộc sống. Với sự nỗ lực từ nhiều phía, những phụ nữ yếu thế đã vượt lên bất hạnh, thắp sáng niềm tin vào cuộc sống.