Thanh Hóa: Ngăn ngừa tội phạm mua bán người ở vùng biên, tăng cường hỗ trợ nạn nhân
Từ năm 2016 đến 30/6/2020, lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ 18 nạn nhân bị mua bán trở về. Các sở, ngành thường xuyên trao đổi thông tin, cập nhật tình hình nạn nhân để kịp thời hỗ trợ.
Năm 2020, Sở Lao động - TBXH đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát danh sách những người có dấu hiệu bị mua bán trở về, lập hồ sơ đề nghị xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng.
Ảnh minh họa. |
Sở đã tổ chức các lớp tập huấn quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng cho 2.890 lượt cán bộ cấp cơ sở; tập huấn trang bị kiến thức di cư an toàn, phòng, chống mua bán người cho 1.152 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập huấn về kỹ năng sống cho 52 nạn nhân bị mua bán trở về; in, cấp phát 15.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và quy định về chính sách, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Các lớp tập huấn đã giúp cho cán bộ cấp huyện, xã có kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng.
Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị đồng hành đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 tại 10 xã biên giới đặc biệt khó khăn gồm: Yên Khương (Lang Chánh), Bát Mọt (Thường Xuân) Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Quang Chiểu (Mường Lát), Tam Thanh, Na Mèo, Mường Mìn (Quan Sơn), Hiền Kiệt (Quan Hóa).
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thành lập được 12 câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống tội phạm và buôn bán người”; tổ chức được 25 lớp tập huấn kiến thức truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng cho các thành viên CLB và Nhân dân các xã biên giới tham gia; 30 buổi truyền thông tại cộng đồng về phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống mua bán người nói riêng.
Các “Phiên chợ truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội và mua bán người” do Hội LHPN tỉnh tổ chức cũng đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; kỹ năng trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ con em và người thân trước cám dỗ của tệ nạn xã hội, nạn mua bán người,.... góp phần xây dựng “Vùng biên giới thực sự an toàn, không tội phạm, không tệ nạn xã hội, không có mua bán người”.
Công an tỉnh thực hiện 9.158 buổi họp dân tại thôn, bản, khu phố nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với tội phạm mua bán người.
Các sở, ban ngành và địa phương cũng thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các trường hợp bị mua bán và cập nhật tình hình nạn nhân trở về để kịp thời hỗ trợ.
PV