Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người
Tội phạm mua bán người chủ yếu là mua bán ra nước ngoài, do đó, việc hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Năm 2020, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo bàn giải pháp tăng cường các biện pháp bảo vệ, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong quy trình tư pháp hình; Tổ chức 04 lớp tập huấn về công tác quản lý, điều tra tội phạm mua bán người; Tham dự Đối thoại Việt Nam – Australia về Hỗ trợ nạn nhân trong các vụ án mua bán người; Tiếp và làm việc với Cơ quan Đối ngoại châu Âu, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam trao đổi về công tác phòng, chống mua bán người; xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân…
Phòng, chống mua bán người là một nội dung thường được đề cập và trao đổi trong các diễn đàn đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và một số nước như Hoa Kỳ, Australia, Liên minh Châu Âu (EU).
Bộ Ngoại giao với vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Tài liệu về công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam để phía Hoa Kỳ tham khảo khi xây dựng Báo cáo TIP năm 2020; đồng thời, đề nghị phía Hoa Kỳ có đánh giá đầy đủ, khách quan về nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Công tác giải cứu nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài rất cần sự phối hợp với các quốc gia, các tổ chức quốc tế. (Ảnh minh họa) |
Để hỗ trợ tối đa cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484); tổ chức tập huấn về phòng, chống mua bán người cho cán bộ ngoại giao trước khi đi công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan đại diện; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền đến cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người.
Xác định vai trò cực kỳ quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại giải quyết các vụ việc liên quan đến mua bán người.
Về phía Bộ Công an, với vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án 5: “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác loại trừ nạn mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua ban giai đoạn 2020-2022; ban hành Quyết định kiện toàn Nhóm Công tác liên ngành thực hiện Hiệp định; Xúc tiến xây dựng, đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Malaysia; ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanma về hợp tác phòng, chống mua bán người.
Ngoài các nhiệm vụ kể trên, Bộ Công an đã phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và các địa phương địa bàn Dự án (gồm: TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) triển khai thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân”.
Bộ Công an cũng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, triển khai Đề án nghiên cứu về việc gia nhập Nghị định thư về chống người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC).
Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Tọa đàm “Thống nhất áp dụng quy định pháp luật về các tội danh liên quan đến mua bán người” với sự tham gia của các Điều tra viên, Kiểm sát viên và các Thẩm phán của một số địa phương trọng điểm.
Các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức hàng chục cuộc giao ban định kỳ, đột xuất, hàng trăm cuộc điện thoại qua đường dây nóng trao đổi thông tin, tình hình tội phạm mua bán người, giải cứu, trao trả nạn nhân và kiểm soát xuất, nhập cảnh qua biên giới.
Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hợp tác, tham dự các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xác định cơ chế trao đổi thông tin, tăng cường đối thoại, ký kết, triển khai các dự án về phòng, chống mua bán người với các nước, các tổ chức quốc tế như Chương trình hợp tác ASEAN - Australia về phòng, chống mua bán người; các hoạt động trong khuôn khổ Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia liên quan...
P.Liên