Tăng cường giám sát hoạt động đánh bắt thủy sản ở Hà Tĩnh
Để tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các chỉ thị, công điện, văn bản của trung ương nhằm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo chống IUU) gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban, phó ban gồm đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành địa phương ven biển đã hoạt động rất hiệu quả.
Ban Chỉ đạo chống IUU tỉnh đã triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra nghề cá hàng năm; thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh; tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài nhằm tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, về đăng ký tàu cá, đến nay toàn tỉnh có 2.957 tàu cá đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m là 2.340 chiếc (chiếm 79,1%), tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 510 chiếc (chiếm 17,3%), tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 107 chiếc (chiếm 3,6%).
Bên cạnh đó có 2.898/2.957 tàu cá đã thực hiện việc đánh dấu tàu, kẻ vẽ biển số đúng quy định đạt trên 98,0%; số lượng giấy phép khai thác tại vùng lộng là 800 tàu, tại vùng ven bờ là 2.916 tàu; hạn ngạch giấy phép vùng khơi theo Quyết định số 1233/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tỉnh Hà Tĩnh là 141 tàu.
Cũng theo ông Hoàng, hiện toàn tỉnh có 2.957/2.957 tàu cá đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản đạt 100%, trong đó có 2.415/2.957 có giấy phép còn hạn sử dụng (đạt 81,67%).
Với nỗ lực của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương, tính đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 101/101 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS. Còn 06 tàu hiện hư hỏng, nằm bờ không hoạt động khai thác hải sản trên biển; các chủ tàu cá đã có cam kết bằng văn bản sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại.
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cũng bố trí nhân lực, tổ chức trực theo dõi tàu cá tàu cá hoạt động trên biển 24/24 giờ. Một số tàu mất kết nối trên biển theo chủ tàu giải trình, nguyên nhân do hệ thống điện trên tàu cá không đảm bảo để duy trì hoạt động trang thiết bị VMS một cách liên tục.
Trong 11 tháng đầu năm 2022 Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng đã thực hiện kiểm tra 10.712 lượt tàu cá cập cảng và 10.731 lượt tàu cá rời cảng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thủy sản qua cảng là 4.572 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, thu 4.128 nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 26 vụ việc đối với 33 đối tượng/32 phương tiện; tịch thu 12 bộ kích điện, 140m dây điện, 04 bộ lưới kéo, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 350 triệu đồng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy vậy, công tác tuyên truyền đối với các tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ luôn được các lực lượng chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm nhắc nhở, quán triệt; đã tổ chức ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trần Hoàn