Bình Thuận tập trung phát triển kinh tế biển
Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu đến năm 2045 xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn.
Cảng cá La Gi (Bình Thuận) |
Một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước
Với chiều dài bờ biển 192 km, vùng lãnh hải rộng 52.000 km2 dọc khu vực ven biển, trên biển và hải đảo có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều cảnh quan đẹp là những điều kiện thuận lợi để Bình Thuận phát triển kinh tế biển.
Trước tiềm năng của địa phương, tại NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, xây dựng tỉnh trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.
Trong những năm qua, Bình Thuận đã từng bước phát huy lợi thế từ biển nên đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển.
Theo đó, lượng du khách đến lưu trú tại các điểm du lịch tăng bình quân 10,95%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân đạt 24,78%/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức tăng bình quân 12,3%/năm.
Về khai thác chế biển thủy sản, Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất nước. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước, ngành thủy sản đóng góp khoảng 6,8% GRDP của tỉnh, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 150 triệu USD, chiếm gần 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa…
Về phát triển năng lượng, khai khoáng, dầu mỏ, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả. Ngoài ra, có khoảng gần 100 dự án điện mặt trời, hơn 19 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương khảo sát hoặc đầu tư, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện, lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển từng bước được đầu tư với 2 dự án nghiền bột zircon, với tổng công suất 15.000 tấn/năm và 1 dự án luyện xỉ titan công suất 24.000 tấn/năm đã triển khai xây dựng góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh.
Đánh thức tiềm năng
Đảng bộ tỉnh Bình Thuận xây dựng mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn. Đặc biệt là kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh và trở thành tỉnh có nền kinh tế mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Để thực hiện mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá vị thế, tiềm năng của biển nước ta nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng, chú trọng việc quảng bá thương hiệu sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch biển, đảo. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ven biển và hải đảo, bao gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông, các tuyến luồng hàng hải, nhằm kết nối các trung tâm phát triển ven biển với cả nước.
Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ cho phát triển kinh tế biển vốn là thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá theo quy hoạch.
Liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế biển với các ngành, lĩnh vực liên quan như đào tạo, dạy nghề, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm gắn kết phát triển các ngành kinh tế biển với phát triển các trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp.
Rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư khu vực ven biển và hải đảo phù hợp với điều kiện của địa phương, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên kết hợp phát triển điện gió và du lịch vùng biển Tuy Phong, Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Quý, Kê Gà, Hàm Tân, La Gi, đưa tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Để phát triển kinh tế hàng hải, tỉnh sẽ thu hút đầu tư cảng biển Sơn Mỹ, đầu tư nâng cấp cảng vận tải Phan Thiết. Nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cửa biển, đồng thời quản lý, khai thác có hiệu quả cảng Phú Quý, Vĩnh Tân, Phan Thiết, phát triển đội tàu vận chuyển khách từ đất liền ra Phú Quý.
Đặc biệt, tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hoa tiêu, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ khác nhằm thu hút các hãng vận tải, đoàn tàu cập bến tại các cảng của tỉnh Bình Thuận.
H. Phong