Quảng Ninh: Định hướng phát triển kinh tế biển của Vân Đồn
Ở vị trí đặc biệt, huyện Vân Đồn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cả về thiên nhiên, văn hóa và con người, tạo nên thế vững chắc, trụ cột trong phát triển kinh tế biển.
Vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh) nằm trong Vịnh Bái Tử Long, có hàng trăm núi đá tạo ra hệ sinh thái biển và ven bờ đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác, nuôi trồng các loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao.
Sự đa dạng về hạ tầng giao thông (cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không) cũng chính là thế mạnh của Vân Đồn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Dịch vụ du lịch biển tại Vân Đồn hiện nay đang dần được khai thác và phát triển, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Vân Đồn. Các mô hình du lịch sinh thái biển, du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các xã đảo đã thu hút nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Vân Đồn hướng tới phát triển khu kinh tế đa ngành |
Không chỉ tiềm năng về du lịch, với diện tích vùng biển trên 1.600km2, nguồn lợi thuỷ hải sản tại Vân Đồn cũng rất phong phú, đa dạng, có nhiều loài đặc sản có giá trị kinh tế cao như: sá sùng, hải sâm, tu hài, hàu, hà, ngao, ốc đá, ốc hương, ốc màu, tôm, cua, mực, cá song, cá hồng… Nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản vì thế cũng trở thành một trong những nghề thế mạnh, gắn liền với thương hiệu địa phương.
Theo thống kê, toàn huyện Vân Đồn hiện có trên 1.000 hộ dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản biển; trên 80 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản; giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động địa phương. Tốc độ tăng trưởng, diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng.
Để trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển thịnh vượng, an ninh và an toàn… Vân Đồn định hướng phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; khai thác có kế hoạch, hiệu quả, trên cơ sở bảo vệ và giữ gìn tài nguyên biển; hướng tới phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo gắn với khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản bền vững.
Lãnh đạo địa phương cho biết sẽ sắp xếp lại vùng nuôi trồng theo hướng giảm dần nuôi ven bờ sang phát triển vùng biển; chuyển dần từ phương thức nuôi lồng bè truyền thống sang hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, Vân Đồn sẽ phát triển mạnh các mô hình sản xuất theo chuỗi, hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản biển tập trung, bền vững, nâng cao hiệu quả và giảm bớt rủi ro. Để giảm áp lực cho môi trường biển, huyện cũng khuyến khích chuyển dịch khai thác gần bờ không hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ, du lịch.
Hoàng Thanh