Sốt xuất huyết ngày thứ mấy bắt buộc phải đi xét nghiệm tiểu cầu?
CDC Hà Nội cho biết trong tuần qua Thành phố ghi nhận 760 mắc sốt xuất huyết, 1 tử vong, số mắc tăng 38,9% so với tuần trước (547).
Bệnh nhân ghi nhận tại 29 quận/huyện; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Bắc Từ Liêm (58), Thanh Oai (58), Đống Đa (55), Đan Phượng (50), Hà Đông (50), Thường Tín (50), Thanh Trì (41), Nam Từ Liêm (37).
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Thủ đô ghi nhận 3.023 mắc, 4 tử vong; số mắc tăng gấp 4,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (668 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 395/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.
Trong tuần, Thủ đô cũng ghi nhận thêm 44 ổ dịch mới tại: Đống Đa (7), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Oai (6), Hà Đông (5), Hoàng Mai (4), Quốc Oai (3), Long Biên (3), Hai Bà Trưng (2), Thanh Trì (2), Tây Hồ (2), Thanh Xuân (1), Phú Xuyên (1), Gia Lâm (1), Hoài Đức (1).
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện tại còn 118 ổ dịch đang hoạt động, tại 26 quận, huyện, trong đó 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: ổ dịch thôn Vực, Thanh Liệt, Thanh Trì (55), ổ dịch thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (56).
CDC Hà Nội cũng dự báo mắc SXH tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.
Ghi nhận tại các bệnh viện, số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng tăng cao. Theo đó, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện BV (cơ sở 1 và 2) đang điều trị cho 37 bệnh nhân SXH. Bệnh nhân nằm rải rác ở các khoa của BV.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận những ca SXH có diễn biến nặng từ các tuyến chuyển lên. Trung bình 1 ngày, BV tiếp nhận từ 3 - 6 ca SXH. SXH là một bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng.
Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân SXH có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Người bệnh từ khi có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.
Đặc biệt, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo, ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.
Đơn cử như người loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản. Khi mắc sốt xuất huyết nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ cực kì khó khăn.
Hoặc với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, chiều 21/9, BS Vũ Thị Mai, khoa Nhi bệnh viện này cho biết hiện khoa đang điều trị cho khoảng 7 bệnh nhân, tình trạng nặng cũng nhiều.
“Mới đây có 2 trường hợp tuổi 13-14 bị nặng hơn so với độ tuổi nhỏ, khoa đã điều trị tích cực. Bị tràn dịch ổ bụng, màng phổi, tràn dịch tinh hoàn, sần nốt dày, tiểu cầu giảm thấp, có hiện tượng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen. Các ca này vào viện ở ngày thứ 5-6 của bệnh”, BS Mai cho hay.
Theo bác sĩ này sai lầm lớn nhất hiện nay đối với người mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng khi bệnh nhi ở nhà là do bố mẹ chủ quan. Cứ nghĩ con có thể theo dõi tại nhà được, hết sốt bố mẹ nghĩ khỏi bệnh rồi nhưng đó là giai đoạn giảm tiểu cầu, nguy hiểm.
Để khắc phục tình trạng này, BS Mai khuyến cáo, các bậc phụ huynh theo dõi tình trạng mệt của con, đau bụng, SXH, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen.
“Trong ngày thứ 4 nên cho con đi xét nghiệm kiểm tra mức độ tiểu cầu. Chỉ số bình thường 140-150, mức nguy hiểm là dưới 50 có xuất huyết một số nơi phải vào viện ngay nhưng có thể tiểu cầu chưa giảm đến dưới 150 trẻ đã có xuất huyết thì vẫn nguy hiểm”, BS Mai nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi trẻ sốt kéo dài đến ngày thứ 4 với các trường hợp thông thường thì nên cho con đi khám, còn với những trẻ mệt nhiều thì nên cho con đi khám ngay để phát hiện kịp thời SXH.
BS Mai cũng khuyến cáo, chăm sóc trẻ khi SXH không nên kiêng tắm vì đấy là cơ hội để trẻ nhiễm bệnh khác như nấm. Kiêng ăn càng không nên vì không đủ năng lượng, sức khoẻ, chống lại bệnh tật cũng như để tiểu cầu không bị giảm quá.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ SXH khi sốt cần bổ sung nhiều nước kể cả khi hết sốt. Giai đoạn tiểu cầu đã giảm nên ăn đồ dễ tiêu, đồ ăn lỏng.
Theo CDC Hà Nội, virus gây bệnh SXH có 4 chủng khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn TP trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.
Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do đó, việc phòng bệnh là hết sức cần thiết.
N. Huyền