Sóc Sơn: HTX tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Huyện Sóc Sơn là đơn vị điển hình. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Cụ thể, theo báo cáo của huyện Sóc Sơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn (2015 - 2020) của huyện tăng 9,64%/năm.
Với đặc thù là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp và còn nhiều khó khăn: Chưa có quy hoạch, hạ tầng thiếu và không đồng bộ; năm 2010, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí xây dựng chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 15,04%…
Vì thế, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ hàng đầu của huyện. Đáng mừng, đến nay 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010), đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện cũng đã từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.
Xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm, 10 thương hiệu hàng nông sản do hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, trên 100 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Đến hết năm 2021, huyện Sóc Sơn có 76 sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận (trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao).
Có được kết quả này, theo báo cáo của huyện góp phần không nhỏ có vai trò của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Cụ thể, thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 112 HTXNN với 15 HTX toàn xã; 58 HTX thôn, liên thôn và 30 HTX chuyên ngành. Phân theo ngành nghề toàn huyện có 85 HTX tổng hợp, 24 HTX trồng trọt, 3 HTX chăn nuôi.
Các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công ích thuỷ lợi, từng bước tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất).
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 6 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 5 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 11 HTX với 45 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, phân hạng.
Theo Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn Hà Nội đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.
Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo là cao chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, dịch vụ.
N. Huyền