'Sản phẩm của giáo dục không chỉ là điểm số'
Ngày 28/4, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nhóm học sinh đánh hội đồng 2 học sinh khác tại khu vực ngoài cổng trường THPT Chu Văn Thịnh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La).
Theo clip, một nhóm học sinh đã lao vào đánh hội đồng hai học sinh khác khiến một em bị chấn thương vùng đầu. Nhiều người xem clip đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ bạo lực học đường một cách ngang nhiên này.
Ông Tòng Văn Tọa - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn Thịnh xác nhận, nhà trường đã nhận được thông tin vụ việc và đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.
Trường THPT Chu Văn Thịnh |
Nói về các giải pháp để giảm thiểu tối đa nạn bạo lực học đường, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà trường cần phải coi môn Giáo dục Công dân là môn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng cho học sinh về nhận thức, tình cảm, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật để học tập.
Từ đó, nhà trường luôn xác định việc tổ chức dạy dạy học môn Giáo dục Công dân là nhiệm vụ quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
Cô Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Để làm được điều đó, nhà trường phải xây dựng kế hoạch dạy học môn Giáo dục Công dân thành các chủ đề gắn với việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng như văn hóa học đường cho học sinh thông qua các hoạt động học tập trải nghiệm và tích hợp linh hoạt vào các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Học sinh cần được gắn kiến thức lí thuyết vào thực tiễn cuộc sống để có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và quan trọng hơn là mỗi học sinh hình thành và rèn luyện chuẩn mực ứng xử cũng như tuân thủ văn hóa học đường, biết sống trung thực, bảo vệ cái tốt, điều hay lẽ phải, sống đẹp, sống có ích cho chính mình và lan tỏa tinh thần đó tới mọi người.
Cùng với việc lồng ghép nội dung về văn hóa ứng xử trong môn Giáo dục Công dân, nhà trường có thể lồng ghép trong giờ sinh hoạt dưới cờ với chủ đề về giá trị sống như: trung thực, khiêm tốn, tôn trọng để tuyên truyền, nhân rộng những hành động, những ứng xử cao đẹp”.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này thì việc thành lập phòng tham vấn học đường trong trường học thực sự là nhu cầu cấp thiết của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Đây là một trong những giải pháp để xây dựng trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng, không bao lực học đường
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu giáo viên đã có đủ kỹ năng để giúp các em nhận thức được vấn đề bởi học sinh bây giờ phát triển và học tập rất nhanh lại chịu tác động tâm lý từ môi trường xã hội, môi trường trên mạng internet. Muốn hiểu được các em, thầy cô cần phải có kiến thức và kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn chặn kịp thời, tác động sớm trước các biểu hiện bạo lực học đường và các hành vi sai phạm.
Vì thế, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó có giải pháp đào tạo để giáo viên thành những người tư vấn tâm lý chuyên nghiệp hơn, phải trang bị cho thầy cô có đủ năng lực để giáo dục học trò.
“Giáo viên, nhà trường phải đảm bảo năng lực sư phạm, người thầy đủ khả năng thay đổi tính cách, hành vi của học sinh vì rõ ràng sản phẩm giáo dục không phải chỉ có điểm số mà còn cần trang bị cho các em kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cũng như sống và làm việc theo pháp luật.
Nhà trường cần có phương pháp thông tin cho học sinh biết về sự tồn tại của phòng tham vấn học đường. Bên cạnh đó, thuyết phục để các em hiểu việc tham vấn tâm lý là giúp các em tự nhận ra vấn đề, tự lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp với mình, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với những vấn đề phức tạp như giải quyết mâu thuẫn thế nào...
Để học sinh thật sự tin tưởng và tìm đến các phòng tham vấn học đường khi gặp những vướng mắc tâm lý rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Như vậy, phòng tham vấn học đường phải là cơ sở tư vấn đáng tin cậy, đảm bảo sự riêng tư, nhạy cảm và bí mật, những người làm công tác tham vấn tâm lý còn phải được tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất là điểm tựa tinh thần vững chắc cho học sinh.
Đồng thời, nhà trường cần có những hình thức tư vấn đa dạng, sinh động để có thể đáp ứng nhu cầu tư vấn cả về số lượng, độ tuổi, nhóm đối tượng cần tư vấn”, cô Lê Thị Loan nói.
Hoàng Thanh