Quy định chi tiết nội dung và mức chi hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Quảng Nam
Ngoài việc hỗ trợ nạn nhân về tiền ăn, tiền sinh hoạt trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội (tối đa 3 tháng), nạn nhân được hỗ trợ học văn hóa, học nghề và chi phí khi trở về địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 2266/QĐ-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND (ngày 15/7/2020) của HĐND tỉnh quy định nội dung, mức chi công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân theo Luật Phòng chống mua bán người trên địa bàn Quảng Nam. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020.
Ảnh minh họa. |
Đối tượng áp dụng gồm: Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; Người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Luật Phòng, chống mua bán người; Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức (công lập và ngoài công lập), cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân và chi các chế độ hỗ trợ nạn nhân.
Nghị quyết quy định cụ thể về nội dung và mức chi công tác hỗ trợ nạn nhân; nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân như sau:
Chi công tác phí cho cán bộ phục vụ hoạt động xác minh, tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ, vận chuyển nạn nhân, kiểm tra công tác hỗ trợ nạn nhân: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 20/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức chi chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh.
Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ: thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 20/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết 52/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Mức chi hợp tác quốc tế trong việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân thực hiện theo quy định tại Thông tư 102/2012/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chế độ chi tổ chức đàm phán và chế độ tiếp khách trong nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân: 200.000 đồng/người/ngày.
Về nội dung và mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại;
Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân (gọi chung là cơ sở): 40.000 đồng/người/ngày, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng từ ngân sách nhà nước.
Trong thời gian lưu trú tại cơ sở được hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết theo quy định tại Nghị định 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tối đa 500.000 đồng/người.
Hỗ trợ vệ sinh cá nhân các đối tượng là nữ trong độ tuổi sinh đẻ: 40.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Hỗ trợ tiền ăn trong những ngày đi đường cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả: 100.000 đồng/người/ngày, thời gian hỗ trợ tối đa 3 ngày.
Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu: Được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hoặc được hỗ trợ một lần chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo (áp dụng đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập): 1.500.000 đồng/người.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương liên quan căn cứ quy định nội dung, mức chi công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân theo Luật Phòng, chống mua bán người trên địa bàn Quảng Nam để thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
P.Liên