Những khó khăn trong công tác phòng, chống mua bán người ở Sơn La
Sau 5 năm thực hiện Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sơn La đã chỉ ra nhiều khó khăn.
Dù đạt được nhiều kết quả song công tác phòng, chống mua bán người ở Sơn La còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 138 UBND tỉnh Lạng Sơn đã nêu ra những khó khăn trong công tác này.
Khó khăn đầu tiên một số nạn nhân khi bị mua bán ra nước ngoài làm gái mại dâm đã tìm cách trốn thoát, tự trở về với gia đình nhưng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử làm ảnh hưởng danh dự gia đình, sợ bọn tội phạm trả thù… nên không dám viết đơn tố giác tội phạm, họ né tránh và không muốn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ gây khó khăn cho công tác điều tra xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hoặc hướng họ vào các hoạt động trợ giúp, hoà nhập cộng đồng.
Mục tiêu huy động nguồn lực để nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân còn nhiều khó khăn. Việc tận dụng và bố trí khu nhà ở của các cháu mồ côi, khuyết tật để làm nơi ở cho các nạn nhân bị mua bán khi trở về đã gây ra những xáo trộn không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển của các cháu mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây, đồng thời cũng gây những khó khăn trong công tác quản lý của Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh.
Cùng với đó, kinh phí chi cho công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân ở các cấp, các ngành còn rất hạn chế, không đủ để thực hiện.
Quy định về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo Nghị định số 09/2013/NĐCP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người mâu thuẫn với Luật phòng, chống mua bán người... gây khó khăn không nhỏ cho đơn vị trực tiếp thực hiện hỗ trợ nạn nhân (quy định thẩm quyền ra quyết định hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân tại Điều 39 Luật Phòng, chống mua bán người và Điều 23 của Nghị định số 09/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, Luật Phòng, chống mua bán người và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP chưa có quy định hỗ trợ cho đối tượng người nước ngoài không bị mua bán trên lãnh thổ Việt Nam nhưng được trao trả qua lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là một khó khăn cho các cơ quan thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.
Minh Thư