Quốc gia ven biển có chủ quyền với vùng biển nào?
Trả lời:
Như chúng ta đã biết, có 3 khái niệm Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Ba khái niệm này phân biệt quyền của quốc gia ven biển ứng với từng vùng biển. Vậy vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển là vùng biển nào? Căn cứ vào sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương có thể lý giải điều này như sau:
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó.
Điều 8, khoản 1 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa nội thủy là “các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”. Trong vùng nội thủy, các quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền của mình. Tàu thuyền nước ngoài muốn ra vào vùng nội thủy phải xin phép quốc gia ven biển và phải tuân theo luật lệ của quốc gia đó.
Sơ đồ các vùng biển tương ứng với các quyền của các quốc gia ven biển |
Lãnh hải hay còn gọi là “vùng nước lãnh thổ” là một dải biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thủy của quốc gia ven biển, có chiều rộng nhất định được tính từ đường cơ sở của quốc gia đó và thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng và áp dụng đối với cả vùng trời trên lãnh hải, cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.
Tuy nhiên, do yêu cầu, tính chất truyền thống của hàng hải quốc tế, luật pháp quốc tế trù định quyền của mọi loại tàu, thuyền của tất cả các quốc gia được đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển với điều kiện không gây ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự, an ninh và môi trường của quốc gia ven biển. Cần lưu ý là quyền đi qua không gây hại không được áp dụng đối với vùng trời trên lãnh hải. Phương tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên lãnh hải của một nước ven biển phải xin phép nước ven biển đó.
Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo đó.
Đối với các đảo riêng biệt, đáp ứng đúng định nghĩa đảo nêu trong luật pháp quốc tế (Điều 121, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982) thuộc về một quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải chung của quốc gia đó, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.
Đại đa số quốc gia trên thế giới quy định chiều rộng lãnh hải từ 3-12 hải lý. Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển không quá 12 hải lý, kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng công ước.