Quảng Bình: Lập Quy hoạch phát triển năng lượng sạch
Theo Đề án Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035 phân tích, Quảng Bình là tỉnh tiềm năng gió tương đối tốt, có khả năng phát triển điện gió quy mô công nghiệp. Địa bàn quy hoạch điện gió ở các huyện ven biển như các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tổng tiềm năng gió kỹ thuật đạt khoảng trên 1052 MW.
Đây là cơ sở cho việc phát triển sản xuất điện gió và tự sản tự tiêu cho trang trại, hộ gia đình không nối lưới. Đến năm 2020, công suất lắp đặt được đề xuất khoảng 330 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 858 triệu kWh. Đến năm 2025, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 422 MW với sản lượng gió tương ứng 1.097 triệu kWh và sau năm 2025, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 300 MW, sản lượng gió tương ứng 780 triệu kWh...
Tỉnh Quảng Bình cũng đã giới thiệu địa điểm trong khu vực quy hoạch cho ba nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu phát triển các dự án điện gió như Công ty Cổ phần Điện gió B&T, khảo sát thực hiện dự án với diện tích 1.258ha tại các xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) với tổng công suất 105MW; tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy); Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đã lắp đặt cột đo gió tại Bãi Dinh (huyện Minh Hóa), đăng ký thực hiện dự án điện gió với tổng công suất 300MW (giai đoạn 1 là 180MW); Công ty UPC Renewable Asia Ilimited lắp đặt 02 cột đo gió tại xã Hưng Thủy và Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) để khảo sát, nghiên cứu phát triển dự án.
Điện năng lượng mặt trời được lắp đặt tại xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). |
Đối với Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời, theo đánh giá tiềm năng các khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình có thể phát triển nhà máy điện mặt trời đó là huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới. Tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 599,5 MWp và nhu cầu sử dụng đất khoảng 717,8ha, trong đó giai đoạn đến năm 2020, tổ chức khai thác khoảng 179,5 MWp/214,8 ha; giai đoạn đến năm 2021 - 2025: khoảng 180MWp/215ha; giai đoạn đến năm 2036 khoảng 240 MWp/288 ha.
Với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên, tổng mức đầu tư là 14.911 tỷ đồng, ước tính phân kỳ đầu tư Quy hoạch phát triển điện mặt trời theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2020 là 4.585tỷ đồng (tương đương 203 triệu USD); giai đoạn năm 2021 - 2025 là 4.565 tỷ đồng (tương đương 202 triệu USD); giai đoạn năm 2026 - 2035 là 5.761 tỷ đồng (tương đương 254 triệu USD).
Hiện tại, trong khu vực quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp 78ha cho Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp; giới thiệu cho Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải khoảng 250ha và Công ty Cổ phần xây dựng Trường Xuân khoảng 300ha để khảo sát, lập dự án đầu tư điện mặt trời. Ngoài khu vực trên, tỉnh Quảng Bình có một số hồ có diện tích lòng hồ khá lớn, có thể phát triển các dự án điện mặt trời như: hồ Vực Tròn (khoảng 400ha), hồ Phú Vinh (khoảng 180ha), hồ Rào Đá (khoảng 570ha), hồ Cẩm LY (khoảng 320ha) hồ An Mã (khoảng 550ha).
Năng lượng sạch của một hộ dân ở Quảng Bình. |
Việc hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035 sẽ giúp nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các bên có liên quan chủ chốt trong ngành đánh giá được tiềm năng, hiện trạng khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời cho mục đích sản xuất điện; sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó đề ra lộ trình khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời một cách hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, Quy hoạch còn giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai thực hiện dự án tại địa phương theo quy hoạch được phê duyệt đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển điện gió, điện mặt trời đã được Chính phủ phê duyệt trong Tổng Sơ đồ phát triển điện VII điều chỉnh.
UBND tỉnh Quảng Bình đang hoàn thiện Đề án Quy hoạch điện gió, điện mặt trời đến năm 2025, có xét đến năm 2035, sẽ hoàn thành trình Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2018.