Phụ huynh đánh giáo viên bất tỉnh tại lớp học: “Văn hóa ứng xử ở đâu?”
Những ngày qua dư luận đang bức xúc về việc một phụ huynh tại xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã tìm đến tận lớp con mình học rồi dùng mũ bảo hiểm đánh cô giáo bất tỉnh phải nhập viện.
Sự việc xảy ra vào khoảng 8h30 sáng ngày 19/5, khi giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường Tiểu học, THCS Lộc Giang (xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa) Đặng Thanh Thúy đang đứng lớp. Ông Nguyễn Hồng Phúc (42 tuổi, trú tại xã Lộc Giang) là cha của học sinh Nguyễn Bảo Ngọc (7 tuổi) đã đi vào tận cửa phòng học.
Khi cô giáo Thúy bước ra đến cửa phòng học, bất ngờ bị ông Phúc dùng mũ bảo hiểm đánh thẳng vào đầu cô giáo rất mạnh khiến nữ giáo viên bất tỉnh và phải nhập viện.
Theo một số giáo viên, chiều hôm trước (18/5), em Ngọc rời khỏi lớp muộn và gia đình sau đó đến gặp hiệu trưởng để kiến nghị.
Trường Tiểu học, THCS Lộc Giang (ảnh: Người Lao Động) |
Nhiều người cho rằng, dù là bất cứ lí do gì đi nữa thì việc vào tận trường đánh cô giáo bất tỉnh là chuyện không thể chấp nhận được, nó thể hiện văn hóa ứng xử của phụ huynh với giáo viên quá kém.
Nhìn nhận về sự việc trên, cô Văn Quỳnh Giao – Phó hiệu trưởng trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Giáo viên là những người giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, giáo dục các con mà phụ huynh lại đánh giáo viên đến mức bất tỉnh thì thật khó chấp nhận. Bố mẹ hung hăng như vậy thì mai này đứa trẻ đó sẽ nhìn giáo viên theo con mắt coi thường, rồi giáo viên dạy con làm sao? Tôi mong rằng pháp luật phải đứng ra bảo vệ và xử lý nghiêm minh với những phụ huynh hành xử theo thói côn đồ tại môi trường học đường.
Hành động của phụ huynh này thể hiện văn hóa ứng xử của phụ huynh với giáo viên quá kém. Nếu có vấn đề gì thì phụ huynh nên đến gặp cô giáo để trao đổi, trò chuyện. Trong trường hợp lời giải thích của giáo viên khiến phụ huynh chưa thấy hài lòng thì có thể tiếp tục kiến nghị lên ban giám hiệu để đề nghị giải quyết”.
Cô Văn Quỳnh Giao chia sẻ thêm: "Ở trường Lương Thế Vinh, năm nào chúng tôi cũng quán triệt văn hóa ứng xử để giáo viên cư xử một cách chuẩn mực khi phụ huynh đến trường yêu cầu giải đáp thắc mắc. Tuyệt đối không có việc giáo viên dùng lời lẽ thiếu tôn trọng hay hành xử thiếu tôn trọng với phụ huynh.
Năm 2019, trường Lương Thế Vinh đã cho một giáo viên thôi việc vì ứng xử không đúng với phụ huynh. Đây là việc đáng buồn nhưng cũng là tiếng chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử trong trường học.
Thế nhưng, hiện nay cũng có một số phụ huynh không tuân thủ nguyên tắc về văn hóa ứng xử, mới chỉ nghe thông tin một chiều đã đến trường với thái độ rất bức xúc, dọa thầy cô.
Việc này cá nhân các phụ huynh phải xem xét lại để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phụ huynh vì giáo viên hướng đến mục đích cao nhất là giáo dục học sinh.
Hơn hết giáo viên và phụ huynh phải là những tấm gương điển hình về văn hóa học đường thì học sinh mới noi theo được".
"Nếu phụ huynh đến trường học mà không tôn trọng quy định về quy tắc ứng xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe giáo viên, trong trường hợp này nhà trường sẽ yêu cầu bộ phận chức năng mời phụ huynh đến làm việc sau. Hoặc nếu xảy ra hành hung giáo viên thì có thể mời cơ quan chức năng vào cuộc xử lý", cô Giao cho hay.
Điều 12. Cô giáo ứng xử với cha mẹ người học
1. Chào hỏi niềm nở, chỉ dẫn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cha, mẹ học sinh, giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo...
2. Xác lập mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường và gia đình; thường xuyên trao đổi để cùng phối hợp giáo dục học sinh tiến bộ; tạo mọi điều kiện giúp đỡ học sinh tham gia học tập.
3. Giữ vững mối quan hệ nhưng không lợi dụng tình cảm hoặc tiền bạc của cha mẹ học sinh, vụ lợi cá nhân làm mất uy tín nhà giáo.
Điều 13. Ứng xử với khách đến làm việc, các tổ chức khác và người nước ngoài
1. Văn minh lịch sự khi giao tiếp. Luôn thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói nhã nhặn khiêm tốn, vui vẻ, bình tĩnh trong mọi tình huống. Không to tiếng, hách dịch, không gây căng thẳng, bức xúc cho người khác. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin nội bộ nhà trường, viên chức cho người khác biết (trừ khi Hiệu trưởng chỉ thị).
2. Công tâm, tận tụy khi thi hành công vụ. Nhanh chóng, khoa học chính xác khi giải quyết công việc.
3. Thấu hiểu và chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hướng dẫn tận tình chu đáo cho người đến giao dịch.
4. Tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của khách. Trong khi thi hành công vụ, nếu để các cá nhân đến làm việc phải chờ đợi thì phải giải thích rõ lý do.
Hoàng Thanh