Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em tại huyện Nam Trà My
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền tại huyện Nam Trà My đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em luôn được chú trọng.
Nhiều giải pháp đã được triển khai như: Mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng; Truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản, làng, trường học, các địa phương, khu vực ven sông, khu vui chơi giải trí có sông, hồ với các hình thức phù hợp như nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, phát tờ rơi, tổ chức hội thi…
Mặc dù công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại huyện Nam Trà My đã được các cấp, ngành quan tâm, song tai nạn, thương tích trẻ em vẫn có chiều hướng gia tăng, gây tổn thất lớn đối với gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Ông Võ Như Sơn Trà, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My cho rằng, nguyên nhân phổ biến là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm, trong khi huyện miền núi có đặc thù môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên tai nạn, thương tích cho trẻ em như địa hình đồi núi cao dễ trượt ngã, nhiều sông suối, người dân sử dụng bếp củi ngay trên sàn nhà gây cháy nhà, bỏng cho trẻ em...
Theo thống kê từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã xảy ra 12 trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích ở mức độ nặng, trong đó có 2 trẻ em bị tử vong.
Đa số trẻ em bị tai nạn, thương tích từ 2 đến 10 tuổi, trong đó có 3 trẻ em bị bỏng nặng, 4 trẻ em bị ngã từ trên cao xuống, 1 trẻ em bị đuối nước, 2 trẻ em bị côn trùng cắn và 2 trẻ em bị thương do vật sắc nhọn đâm trúng.
Về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè; Tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm...; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại cơ sở; Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; Tổ chức động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời đối với trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích…
Lam Anh