Bác sĩ chỉ ra những tai nạn thương tích mà trẻ thường xuyên gặp phải
Theo tổ chức Y tế thế giới, tai nạn thương tích (TNTT) là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng thương tật và thương vong, đây là vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe cộng đồng trên thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có trên 5 triệu trường hợp tử vong, hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới.
Mỗi năm có tới trên 1,2 triệu trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Trên 2/3 số trường hợp đó xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các TNTT này xảy ra ngay ở trường học hoặc trên đường đến trường.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, BS. Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tai nạn thương tích cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mắc và tử vong ở trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi. Các loại hình tai nạn thương tích thường liên quan đến môi trường trường học.
Lứa tuổi học sinh là nhóm tuổi rất hiếu động và thường xuyên thích khám phá, chinh phục thử thách. Môi trường trường học luôn là một môi trường an toàn đối với học sinh tuy nhiên cũng không tránh khỏi những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiều loại hình TNTT.
Đối với trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trẻ nam tử vong do đuối nước nhiều gấp 02 lần trẻ nữ. Tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi với trung bình 19 trẻ/100.000 trẻ năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong nhiều hơn trẻ nữ 1,4 lần.
Kết quả từ hệ thống giám sát điểm đuối nước tại Nam Định và Đồng Tháp từ 7-12/2011 cho thấy nhóm tuổi từ 0-4 tuổi là nhóm bị đuối nước nhiều nhất, chiếm 30% tổng số trường hợp đuối nước.
Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong thứ 2 sau đuối nước với trung bình 1867 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ khoảng 24% – 26% tổng số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông trong nhóm tuổi từ 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 70%. Báo cáo tình hình tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện cho thấy: Tỉ lệ dưới 14 tuổi bị CTSN do TNGT là 6,6%.
Tự tử là một vấn đề luôn nóng và mang tính thời sự, ngày càng tăng, đặc biệt lực lượng tự tử đang ngày càng trẻ hóa
Ngộ độc từ lâu là nguyên nhân đứng thứ tư gây tử vong trong số các nguyên nhân gây tai nạn thương tích và để lại hậu quả cũng như di chứng lâu dài với con người.
Tại Việt Nam, thống kê từ 2005-2010 cho thấy trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1496 trường hợp ngộ độc, trong đó có khoảng 10% số trường hợp xảy ra ở nhóm trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi.
Ngã là một việc bình thường trong sự phát triển của một con người, đặc biệt đối với một đứa trẻ – học cách tập đi, chạy, nhảy, leo trèo và khám phá môi trường xung quanh. Ngã là nguyên nhân gây TNTT không tử vong lớn nhất ở trẻ em và là loại thương tích thường gặp tại trường học, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi tiểu học.
"Thống kê tại hai bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Trẻ em Hải Phòng từ tháng 7-12/2011 cho thấy trong những nguyên nhân gây TNTT té/ngã chiếm tỷ lệ cao nhất (56,31%), tai nạn giao thông (17,79%) và hóc dị vật (8,54%), bỏng (5%), ngộ độc (2,8%), đuối nước (0,82%). TNTT do ngã ở nhóm tuổi trẻ em, đặc biệt là nhóm dưới 10 tuổi, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phải nghỉ học và điều trị ngắn ngày tại các cơ sở y tế", BS Đinh Thế Tiến thông tin.
Ngài ra, BS Thế Tiến cũng nhấn mạnh bỏng là một vấn đề nghiêm trọng đối với y tế công cộng. Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình cả nước có trên 200 trường hợp bỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các yếu tố nguy cơ của bỏng được xác định dựa vào nơi để các vật chứa nước nóng trong trường học, đặc biệt các trường mầm non. Tỷ suất tử vong trung bình do bỏng ở trẻ dưới 19 tuổi là 0,27/100.000 trẻ. Bỏng là nguyên nhân gây tử vong do TNTT thứ 6 ở trẻ em.
Các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trong trường học cần những gì?
BS Đinh Thế Tiến cho rằng, nội dung phòng chống tai nạn thương tích (PCTNTT) tập trung vào 3P (Protection: Bảo vệ, Provision: Cung cấp môi trường an toàn và Participation: Tham gia)
Cung cấp môi trường an toàn cho trẻ, bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ là các biện pháp quan trọng trong giảm thương tích học đường. Trong thời tiết giá rét, các tai nạn thương tích có nguy cơ xảy ra liên quan đến bỏng khi sử dụng dụng cụ sưởi, tai nạn giao thông do mặc quần áo quá dày khiến tầm nhìn bị hạn chế là những yếu tố có thể xảy ra.
Đối với nhân viên y tế và những thầy cô giáo trực tiếp tiếp xúc với các em, việc cải thiện kĩ năng sơ cấp cứu ban đầu vô cùng quan trọng, trong đó cấp cứu những tai nạn như các chấn thương, hóc dị vật, bỏng vô cùng quan trọng. Đội ngũ y tế cơ quan cần được thường xuyên tập huấn nâng cao kiến thức để xử lý những tai nạn này.
N. Huyền