Cần mở rộng đối tượng được giáo dục sơ cứu ban đầu phòng tai nạn thương tích trẻ em
Theo GS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, nếu như ở các nước phát triển, kỹ năng sơ cấp cứu được coi là kỹ năng xã hội thì tại Việt Nam hầu như kỹ năng sơ cấp cứu này bỏ ngỏ, sơ cấp cứu sai.
GS Bình chia sẻ bản thân ông đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp là trẻ em bị tai nạn thương tích nhưng sơ cấp cứu sai. Nếu sơ cấp cứu ban đầu sai thì không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể thiệt mạng.
GS Bình cho rằng chúng ta nên giáo dục tuyên truyền cho người dân về các biện pháp sơ cấp cứu cơ bản. Ví dụ như bạn nuôi con nhỏ bạn cần biết cách sơ cứu khi trẻ sặc sữa, sặc cháo, sặc thức ăn.
Hoặc các cách sơ cứu cơ bản như băng bó, garo cho các tai nạn thông thường như bỏng, điện giật, té ngã, chấn thương xương khớp.
Đối với phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em ở nhà trường, giáo viên, thậm chí bảo vệ nhà trường cũng cần có kỹ năng sơ cứu cho trẻ và các tình huống phòng chống thảm hoạ thiên tai, bệnh tật, cháy nổ, lũ lụt để có thể cấp cứu kịp thời, giảm tai nạn thương tích.
GS Bình cho biết sắp tới Luật Khám chữa bệnh cho phép phát triển cấp cứu ngoài bệnh viện không cần đòi hỏi phải là nhân viên y tế, cứu hộ cứu nạn mà những người bán chuyên nghiệp như lái xe, người làm ở các hội chữ thập đỏ, tình nguyện viên, giáo viên, thậm chí trong cộng đồng có kiến thức về cấp cứu ngoại viện cũng có thể trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho mình từ đó tăng khả năng cấp cứu ngoại viện cho người lớn cũng như trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Hiện nay, một số người biết sơ cứu nhưng luật pháp chưa cho phép nên họ chưa giám làm. Nếu tai nạn xảy ra người biết sơ cấp cứu có thể cầm máu, đỡ được tử vong.
Một trẻ bị gãy xương nếu chúng ta đặt nẹp, buộc dây cố định để đầu xương không di chuyển, cắt đứt mạch máu thì sẽ không còn nguy hiểm.
Với trẻ ngã có tổn thương cột sống cổ bạn chỉ cần biết nẹp cột sống cổ lại thì chúng ta hoàn toàn có thể tránh được tuỷ bị xương cổ gãy cắt đứt, cứu được nạn nhân.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Phước Truyền – Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Dược TP.HCM, khi cấp cứu trẻ em nếu đúng sẽ tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhi còn nếu sai xót có thể khiến trẻ tử vong.
Khi cấp cứu ngừng tuần hoàn cho trẻ, thạc sĩ Truyền cho biết, cha mẹ cần lưu ý nguyên tắc C-A - B.
C là xoa ép tim ngoài lồng ngực, A là thông đường thở, B là thông khí.
Khi trẻ bị tai nạn ngưng tim ngưng thở bạn nên nhanh chóng kiểm tra đường thở cho bệnh nhi. Bạn cần đánh giá vị trí xung quanh trẻ như điện giật hay cháy nổ sau đó đánh giá tuần hoàn của trẻ.
Dấu hiệu trẻ ngưng tim ngưng thở là tím tái, không có đáp ứng khi lay gọi, vỗ vào cánh tay của trẻ không có phản ứng. Khi xoa bóp tim cho trẻ bạn cần xoa bóp từ 100 – 120/lần/phút nếu xoa bóp quá chậm sẽ không đủ tưới máu cho các cơ quan quan trọng.
Xoa bóp tim quá nhanh thời gian tâm trương chưa đủ thì xoa bóp không hiệu quả. Vị trí xoa bóp là xương ức, bạn có thể dùng hai ngón tay hoặc một, hai bàn tay tuỳ theo kích thước của người hồi sức và trẻ nhỏ.
Sau khi xoa bóp tim thì bạn cần làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Bạn nên ngửa đầu, nâng cằm của trẻ sau đó thổi ngạt cho trẻ. Ngửa đầu, nâng cằm ở trẻ nhỏ giúp hỗ trợ thông khí tốt hơn.
Thông khí người hồi sức dùng miệng của mình bao phủ miệng, mũi của trẻ nhỏ. Nếu miệng không bao phủ được mũi của trẻ bạn nên bịt mũi trẻ và thổi khí trong 1 giây để lồng ngực có đủ khí nâng lên.
Chu kỳ của cấp cứu ngưng tim ngưng thở C-A-B lần lượt thực hiện và quay ngược lại. Khi cấp cứu tránh gián đoạn, thông khí quá mức.
Ngoài ra, chuỗi cấp cứu của trẻ em cần từ giai đoạn cấp cứu cho tới các biện pháp hỗ trợ về sau.
Khánh Chi