Phòng chống mua bán người ở vùng cao Bắc Kạn
Trở về nhà sau khi gia đình phải bỏ ra số tiền chuộc tới hơn 150 triệu đồng, anh Đặng Văn Q. 29 tuổi, ở thôn Nà Niềng, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) vẫn chưa hết bàng hoàng. Mấy tháng trước, dù đang có công ăn việc làm ổn định nhưng anh Q. đã tìm cách sang Campuchia theo lời hứa của một người bạn là chỉ cần ngồi làm chăm sóc khách hàng trên máy tính với mức thu nhập 20-30 triệu/tháng.
Vậy nhưng những ngày nơi xứ người lại là nỗi ám ảnh khi mười mấy tiếng mỗi ngày bị nhốt trong phòng kín với chiếc máy tính có kết nối Internet và bị buộc phải tìm kiếm, mời chào những người Việt Nam tham gia các app đánh bạc hoặc lừa đảo trên mạng.
Anh Đặng Văn Q. cho biết: “Họ đe dọa kinh khủng, áp lực lắm. Một ngày ngủ có vài tiếng thôi, mình không làm đạt thì nó ép làm 15-16 tiếng, làm sao mà chịu được. Bây giờ như mất cả trí luôn. Thời điểm đấy rất là sợ. Ở đấy ở trong khu có nhà cao tầng, xung quanh họ xây rào thép gai hết, bảo vệ của chúng cứ 10-20m có người đứng ở đó giám sát. Mình chạy trốn nó bắt được nó đập què chân ấy. Khi bước chân về biên giới Việt Nam, tôi cảm thấy như được sống lại, như giấc mơ luôn…”
Dù mất một khoản tiền chuộc rất lớn, nhưng anh Q. còn may mắn khi có thể bình an trở về. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Bắc Kạn đã nhận tin báo về gần chục trường hợp công dân ở địa phương bị lừa sang Campuchia và bị cưỡng bức lao động.
Nạn nhân chủ yếu là thanh niên lao, động tự do hoặc sinh viên có nhu cầu làm thêm. Sau khi xuất cảnh trái phép qua biên giới, nạn nhân mới biết bị lừa, bị cưỡng bức làm việc, bị đánh đập và bị chủ người nước ngoài mua đi bán lại. Khi nạn nhân muốn về thì bị buộc gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.
Thượng tá La Thanh Châu, Phó Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: Dù lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có không ít người dân vùng cao vẫn mắc bẫy của bọn buôn người do nhẹ dạ, cả tin.
“Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân về các thủ đoạn của bọn lừa đảo nói chung và lừa đảo liên quan đến mua bán người nói riêng. Chúng tôi cũng phối hợp và yêu cầu chính quyền các địa phương, đặc biệt chính quyền cấp xã, các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về công dân xuất cảnh trái phép, đặc biệt là việc xuất cảnh trái phép đi lao động ở Campuchia theo sự dụ dỗ, lừa gạt của các đối tượng lừa đảo đã diễn ra phức tạp trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh thời gian qua” - Thượng tá La Thanh Châu nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng này, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa thông tin, cảnh báo tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động.Theo đó, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Mai Anh