Đề cao cảnh giác, quyết tâm phòng chống tội phạm mua bán người
Trước tình trạng người dân bị lừa bán sang Campuchia, mới đây,Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, tình trạng tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm từ lâu.
Theo Thượng tá Mạnh Hà, ở nước ta, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người. Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định về loại tội phạm này.
Đại diện Công an TPHCM cho biết, hiện nay, vấn nạn buôn bán người vẫn đang nhức nhối vì các đối tượng phạm tội lợi dụng sự nhẹ dạ của một số người, trong đó có phụ nữ, trẻ em, người có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi đua đòi nhưng thích đổi đời... để lừa gạt.
Các đối tượng thường hứa hẹn giới thiệu việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, cho đi du lịch. Tuy nhiên khi qua quốc gia khác thì các đối tượng sẽ bán các nạn nhân cho các đầu nậu để trục lợi. Đặc biệt thời gian gần đây, khi công nghệ mạng xã hội phát triển, các đối tượng làm quen tiếp cận nạn nhân rồi hướng dẫn để các nạn nhân tự rơi vào bẫy mua bán người.
“Thông tin gần đây báo chí phản ánh, các trang mạng xã hội tuyển người qua Campuchia làm việc hành chính với lời hứa hẹn lương cao được bao ăn ở... Đồng thời các đối tượng còn đưa ra điều kiện nếu biết đánh máy, giọng nói tốt thì lương sẽ cao hơn nhằm tăng niềm tin cho nạn nhân. Các nạn nhân được hướng dẫn và đưa qua đường tiểu ngạch sang Campuchia. Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu trả số tiền đền bù về chi phí đi lại, ăn ở, có thể bị bắt khống chế đòi gia đình trả tiền, hoặc bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục” – Thượng tá Mạnh Hà cho hay.
Thực tế cho thấy, nạn nhân trong các vụ mua bán người thường sinh sống ở những vùng nông thôn, đa phần họ có trình độ thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Chính vì vậy, khi có người giới thiệu, hứa hẹn bằng một công việc nhẹ, thu nhập hấp dẫn hoặc có điều kiện lấy chồng ngoại quốc... thì dễ dàng tin ngay. Bên cạnh đó, trong số các nạn nhân cũng có những cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, bị dụ dỗ đi du lịch, tham quan... sau đó bị bán vào động mại dâm hoặc bán cho đàn ông nước ngoài để làm vợ.
Để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của ngành công an trong rà soát, nắm bắt, xử lý các đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người, thì chính quyền các địa phương cũng cần chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật về thủ tục xuất nhập cảnh, hợp tác lao động với nước ngoài. Các tổ chức đoàn thể quan tâm, giúp đỡ chị em phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, lừa gạt và trở thành nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TPHCM đã chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình phối hợp với cơ quan liên quan điều tra xử lý cũng như hỗ trợ nạn nhân. Ông khuyến cáo, trong trường hợp xảy ra vụ việc buôn bán người, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân có thể liên hệ cơ quan công an gần nhất, cung cấp đầy đủ các thông tin đặc điểm hình ảnh, nhận dạng, phương thức của các đối tượng để lực lượng công an có cơ sở điều tra, kịp thời hỗ trợ.
Mai Anh