Phòng chống mua bán người ở Thanh Hóa: Những giải pháp rút ra từ thực tiễn
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán", Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Từ năm 2016 đến 30/6/2020, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ 18 nạn nhân bị mua bán trở về. Tất cả các nạn nhân bị mua bán trở về đều được các cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ ban đầu theo quy định.
Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh được giao chức năng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Mặc dù không có nạn nhân lưu trú, nhưng Trung tâm sắp xếp đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong công tác hỗ trợ nạn nhân, thường xuyên được tập huấn nâng cao năng lực; cơ sở vật chất được trang bị cơ bản đầy đủ (phòng lưu trú, phòng tư vấn, đường dây tư vấn...); thực hiện tư vấn thông qua đường dây nóng và cử cán bộ đi tư vấn tại cộng đồng.
Cùng với đó, triển khai và duy trì Mô hình "Nhóm tự lực" tại các huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Quảng Xương, Nông Cống, Thạch Thành, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Ngọc Lặc cho các nạn nhân bị mua bán và người có nguy cơ cao. Qua các buổi sinh nhóm các chị em phụ nữ đã trao đổi, học hỏi và chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất.
Dự báo những năm tới, các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nguy hiểm, có tổ chức, xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao, trong đó, có nhóm tội phạm liên quan tới mua bán người. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phòng chống loại tội phạm này cần được đẩy mạnh, thực hiện cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu vùng xa để người dân tự ý thức bảo vệ mình và gia đình trước nạn mua bán người. (Ảnh minh họa) |
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán", các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể cơ bản hoàn thành, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ tỉnh đến cơ sở.
Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực từ cấp tỉnh đến cấp xã. Có chính sách khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, đơn vị, địa phương làm tốt; đồng thời, kiên quyết trong việc xử lý những cá nhân, đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó, động viên sự tham gia của nạn nhân bị mua bán trở về để họ chia sẻ thông tin và được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý, trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng đồng vốn kinh doanh có hiệu quả, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.
Thực hiện tốt các dịch vụ xã hội hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là giải quyết công ăn việc làm cho nạn nhân bị mua bán hoà nhập cộng đồng; đồng thời, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở và gia đình để những nạn nhân bị mua bán sớm ổn định đời sống.
Tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho công tác hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng, tranh thủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
PV