Cần hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán
Quá trình tiếp nhận và xác định, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Do đó, cần có các quy định hỗ trợ toàn diện và hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán.
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.
Chủ trì Hội thảo có bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; bà Park Mi Hyung, Trưởng đại diện IOM Việt Nam và ông Kobayashi Ryutaro, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam.
Bàn Chủ tọa điều hành Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan và đại diện gần 30 tỉnh, thành phố cùng với các đại biểu quốc tế đến từ các tổ chức IOM, UNODC, JICA, UNICEF, BLUDRAGON...
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tiếp nhận và xác định, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức: quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và các nước đang ngày càng sâu rộng, dẫn tới việc Việt Nam không chỉ là quốc gia điểm đi mà còn là điểm đến của nạn nhân mua bán người. Phát triển kinh tế khác nhau giữa các vùng, miền cũng làm gia tăng tình trạng mua bán người trong nội địa…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, lập đề nghị trình Chính phủ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 09 trong năm 2020 và xây dựng chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn tiếp theo.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận và góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, trong đó, tập trung vào những vấn đề như thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thực hiện hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về, thẩm quyền các cơ quan tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trình tự thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong việc triển khai, thực hiện.
Các đại biểu đều nhấn mạnh: Mua bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Phòng, chống mua bán người là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người và tăng cường bảo vệ, hỗ trợ quyền con người, đặc biệt là quyền của những người bị mua bán.
PV