Phép màu cho nam thanh niên đi bẫy chim bị điện giật cháy 'của quý'
Khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E vừa tạo hình lại 'cậu nhỏ' thành công cho một bệnh nhân nam (28 tuổi, ở Hà Nội) bị cháy cụt mất 'của quý'.
Ca mổ đã giúp người đàn ông bị cháy cụt "cậu nhỏ" tìm lại bản lĩnh phái mạnh |
Điều đặc biệt nhất của ca phẫu thuật này chính là việc các bác sĩ không chỉ tạo hình lại dương vật đã mất mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân này.
Theo người nhà bệnh nhân, cách đây 5 năm, trong một lần đi bẫy chim bằng dụng cụ khung inox tự chế, bệnh nhân đã chạm vào đường điện cao thế khiến cơ thể bị bỏng nặng và cháy xém nhiều chỗ, trong đó có dương vật.
Thời điểm đó, các bác sĩ cắt cụt tay phải, cụt ngón 2,3,4 bàn chân phải để cứu sống bệnh nhân. Sau đó các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình dương vật bằng vạt da nuôi ghép ở da đùi phải. Tuy nhiên, sau mổ, bệnh nhân bị rò nước tiểu ở gốc dương vật tạo hình gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều đáng nói, do tạo hình dương vật quá to và ngắn khiến bệnh nhân không thể quan hệ tình dục được…
Để tìm lại “bản lĩnh đàn ông” của mình, bệnh nhân đã tìm đến khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt đã hội chẩn với GS Trần Thiết Sơn - chuyên gia đầu ngành về tạo hình thẩm mỹ và PGS Nguyễn Quang – chuyên gia đầu ngành về tiết niệu nhằm khắc phục những khiếm khuyết của bệnh nhân.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ BV E đã quyết định tạo hình lại dương vật cho bệnh nhân. Sau khi định hình dương vật, các bác sĩ tiến hành tạo hình bao quy đầu, lỗ sáo, đường tiết niệu hoàn chỉnh cho bệnh nhân. Mục tiêu cuối cùng của các bác sĩ là dương vật của bệnh nhân phải “sống”. Bởi dương vật là cơ quan sinh dục ngoài của nam giới, có hai chức năng chính là: sinh sản sinh dục và chức năng tiểu tiện.
Bác sĩ giải thích nguyên nhân người đàn ông đi vệ sinh cũng xuất tinh
Chưa từng quan hệ tình dục, hiếm hoi mới thủ dâm một lần, người đàn ông 31 tuổi bối rối không biết mắc bệnh gì mỗi khi đi vệ sinh phải rặn do táo bón lại… xuất tinh.
GS Trần Thiết Sơn - Chuyên gia về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đánh giá, dương vật của bệnh nhân dù đã được tạo hình nhưng lại quá to và ngắn, không có sinh lý, làm biến dạng hình thể của dương vật. Phần niệu đạo không đặt đúng vị trí, gần với gốc dương vật gây khó khăn cho bệnh nhân về chức năng bài tiết và sinh lý.
Do đó, để khắc phục điều này, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình lại thân dương vật giống với kích thước bình thường và thật nhất. Các bác sĩ tạo hình lại niệu đạo mới bằng niêm mạc miệng, má của bệnh nhân.
GS Sơn cho rằng, khó khăn lớn nhất của ca phẫu thuật này chính là việc tạo hình lại niệu đạo cho bệnh nhân. Đặt lại niệu đạo trong thân dương vật đi theo một đường hoàn toàn mới mà phải đảm bảo khả năng bài tiết và hình thể của dương vật ấy. Thêm nữa, việc tạo hình lại dương vật dựa trên vạt da cũ để xử lý làm sao thân dương vật không hoại tử mà vẫn giữ nguyên được hình dáng mới.
Theo GS Sơn, có nhiều phương pháp tạo hình dương vật nhưng hầu hết các bác sĩ sẽ lựa chọn tạo hình hình thể của dương vật hoàn chỉnh trước, sau 6 tháng sẽ tiếp tục tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân.
Nhưng, GS Sơn và các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E lựa chọn tạo hình thân dương vật cùng với tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân cùng một lúc. Điều này sẽ rút ngắn thời gian và số lần phẫu thuật cho bệnh nhân, khắc phục hoàn toàn niệu đạo bị dò, tắc như trước kia.
Xác định, đây là ca sửa chữa biến chứng của tạo hình dương vật nên sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách hơn so với một ca tạo hình dương vật mới (do mất hoàn toàn hoặc một phần), các bác sĩ phải thay đổi các bước tạo hình sao cho phù hợp hình thể cũ của dương vật đã tạo hình trước đây để khắc phục những khiếm khuyết cho bệnh nhân.
Theo đó, đối với dương vật tạo hình trước đây của bệnh nhân quá to và ngắn, các bác sĩ khắc phục bằng vạt da tại chỗ để kéo dài thân dương vật từ 10 cm thành 12 cm, thu hẹp chu vi từ 12 cm xuống còn 6 cm. Quan trọng nhất, xác định nguồn cấp máu cho các vạt da tại chỗ đó ở đâu để khi rạch ra và chuyển tới nơi mới không làm hoại tử dương vật.
Điều này đòi hỏi vào tài năng và sự khéo léo của phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ giàu kinh nghiệm như GS Trần Thiết Sơn, ThS.BS Nguyễn Đình Minh…
Theo các bác sĩ, bệnh nhân này khá may mắn, dù bị cháy gần như mất toàn bộ dương vật nhưng lại không ảnh hưởng tới bìu, ống dẫn tinh. Vì thế, chỉ cần các bác sĩ tạo hình đường niệu đạo thông tốt thì túi tinh đổ vào niệu đạo sẽ ổn định, không ảnh hưởng đến quá trình xuất tinh của bệnh nhân.
Khi dương vật ổn định về hình thể, đi tiểu bình thường, xuất tinh được, sau 12 tháng, các bác sĩ sẽ tính đến phương án đặt thể hang, tùy thuộc vào cấu trúc của dương vật đủ cứng để có thể quan hệ được, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
N. Huyền