Phát huy hiệu quả mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ
Những năm qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ luôn được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn ở tỉnh Hà Tĩnh dành sự quan tâm đặc biệt. Để phát huy vai trò quản lý cộng đồng này, tỉnh Hà Tĩnh đã trao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân thông qua tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ.
Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 – xã Xuân Yên và Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 – xã Xuân Liên thuộc huyện Nghi Xuân được thành lập từ năm 2016. Thời gian đầu mới thành lập, các tổ đồng quản lý này chủ yếu tương trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, khi gặp mưa dông, gió bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước khi vào bờ.
Đến năm 2020, sau một thời gian hoạt động hiệu quả, Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 được giao quyền quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Khi được trao quyền, các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ hoạt động năng nổ hơn, bài bản hơn và đã phối hợp rất hiệu quả với các lực lượng chức năng như biên phòng, kiểm ngư trong phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thuỷ sản bất hợp pháp trên khu vực biển được giao quyền quản lý.
Ông Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3 – Xuân Liên nói: “Quá trình hoạt động của Tổ, đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân. Bây giờ bà con đã chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng mìn khai thác thuỷ sản.
Ngoài ra, khi hoạt động trên biển, nếu phát hiện tàu nước ngoài, tàu dã cào, tàu cá sử dụng ngư cụ cấm để khai thác, chúng tôi kịp thời báo cáo cơ quan chức năng, phối hợp bắt giữ, xử lý vi phạm”.
Bên cạnh việc tăng hiệu quả khai thác thuỷ sản, việc tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã thay đổi căn bản nhận thức của ngư dân trong việc ngăn chặn sử dụng tàu dã cào, lưới mắt nhỏ hay kích điện trong quá trình khai thác thuỷ sản.
Tổ đồng quản lý cũng được quyền tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
Trung bình mỗi tháng, các tổ viên trong Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, số 3 huyện Nghi Xuân cung cấp 3 đến 4 thông tin về các hoạt động vi phạm, như: Tàu cá có công suất lớn khai thác sai vùng, sử dụng ngư lưới cụ cấm, dùng xung kích điện khai thác... cho các lực lượng biên phòng, kiểm ngư để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phụ trách Phòng quản lý khai thác (Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh), trong hơn 7 năm qua, 2 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 và số 3 huyện Nghi Xuân với 418 thành viên đã hoạt động hết sức hiệu quả, là điểm sáng trong việc phát huy vai trò cộng đồng trong hành trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo đảm cân bằng sinh thái tự nhiên, mang lại sinh kế cho người dân.
Cũng theo ông Hùng, ngoài Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, số 3 hoạt động hiệu quả, đến thời điểm này, 7 tổ đồng quản lý đã được hình thành tại các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Qua đó, đã và đang hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ rất tốt, góp phần tuyên truyền có hiệu quả các quy định của Luật Thuỷ sản, quy định của chính phủ trong việc chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).
NH